Vừa rồi, Bộ Tài nguyên & Môi trường ra thông báo một trong 2 nguyên nhân bị nghi ngờ gây ra việc cá chết hàng loạt ở miền trung là thủy triều đỏ. Ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hiện tượng này.
THỦY TRIỀU ĐỎ HAY TẢO NỞ HOA LÀ GÌ?
Thủy triều đỏ là hiện tượng một hoặc một số loài tảo nào đó sinh sôi nảy nở dày đặc trong một vùng nước, đến mức làm đổi màu nước sang màu đỏ của tảo. Tên gọi “thủy triều đỏ” có lẽ bắt nguồn từ Vịnh Mexico - hiện tượng thủy triều đỏ ở đây xảy ra hầu như hàng năm, làm cá chết hàng loạt từ suốt dọc bờ biển từ Florida tới Texas, Mỹ.
Mặc dù cách gọi “thủy triều đỏ” nghe rất “kêu” và thường được báo chí sử dụng, nhưng nó được giới khoa học tránh dùng vì một số lý do:
- Thủy triều đỏ không nhất thiết có màu đỏ. Tảo có thể có đủ loại màu, thông dụng nhất là xanh và đỏ. Hơn nữa, có trường hợp tảo sinh sôi chưa đủ dày đặc nên chưa làm đổi màu nước, nhưng đã đủ để gây thiệt hại
- Thủy triều đỏ không liên quan đến “thủy triều”
- Từ “thủy triều đỏ” được dùng hiện nay tạo ra cảm giác là 1 hiện tượng thiên nhiên gây tàn phá. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả hiện tượng tảo nở hoa đều gây hại
Vì thế, ngày nay giới khoa học khuyến khích dùng từ “tảo nở hoa”. Có thể coi “thủy triều đỏ” là cách gọi thông dụng của hiện tượng tảo nở hoa, tuy nhiên chỉ áp dụng trong trường hợp nước đã bị đổi màu và màu đó là nâu hoặc đỏ.
“Tảo” là 1 nhóm rất rộng, bao gồm rất nhiều loài từ đơn bào tới phức tạp như rong biển, từ độ dài một vài micro-mét tới 50 mét. Đặc điểm chung là chúng tương tự thực vật trên mặt đất - quang hợp hấp thụ khí CO2 và thải ra O2. Hiện tượng tảo nở hoa thường gây ra bởi các loài tảo nhỏ bé gọi là “vi tảo” - mà đặc biệt là các loài vi tảo ở tầng gần mặt nước nơi ánh sáng mặt trời có thể xuyên tới. Các loài vi tảo đó được gọi là “thực vật phù du”.
Hiện tượng tảo nở hoa thường xảy ra ở ven biển, nhưng nó cũng xảy ra trong môi trường nước ngọt. Nơi sông hồ, nó thường được gây ra bởi vi khuẩn lam (trước đây hay gọi là tảo lục lam nhưng hiện tại được phân loại lại thành vi khuẩn).
TẢO NỞ HOA GÂY HẠI NHƯ THẾ NÀO
Thực vật phù du vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái. Nó tạo nên nền tảng của lưới thức ăn, làm cơ sở cho sự sống ở đại dương. Thực vật phù du được cho là sản sinh ra tới 80% lượng ô-xy trên trái đất. Chỉ khi sinh sôi một cách đột biến dày đặc tại một vùng nước, chúng mới trở thành vấn đề.
Tảo nở hoa có 2 loại: vô hại và có hại. Trong số hơn 5000 loài thực vật phù du được biết tới, số loài có hại chỉ chiếm khoảng 2%.
Tảo nở hoa gây hại theo hai cách chính:
- Tảo sinh ra chất độc. Các loại sinh vật khác hấp thụ phải chất độc sẽ bị nhiễm độc. Cứ thế, chất độc lan trong chuỗi thức ăn, gây ra cái chết cho các loại sinh vật biển lớn hơn như động vật phù du, các loài nhuyễn thể, cá, động vật có vú ở biển v.v.
- Gây thiếu hụt ô-xy trong nước. Giống như cây cối trên cạn, vào ban đêm, “tập đoàn” tảo ngừng quang hợp và tiêu thụ một lượng lớn ô-xy trong nước. Ngoài ra, khi sinh sôi nhanh chóng thì số lượng tảo chết cũng rất lớn. Khi chết, xác tảo chìm xuống đáy. Tại đây, vi khuẩn sẽ phân hủy xác tảo, và quá trình này tiêu tốn nhiều ô-xy trong nước. Sự thiếu hụt ô-xy này có thể khiến cá và các loại động vật dưới nước chết hàng loạt, bao gồm cả tầng đáy và tầng trên.
NGUYÊN NHÂN CỦA TẢO NỞ HOA
Hiện giới khoa học vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân của hiện tượng này. Tuy nhiên, về cơ bản, tảo cũng như các loài sinh vật khác, sinh sôi nảy nở quá mức khi điều kiện sống tốt, đặc biệt là nhiệt độ phù hợp và nguồn dinh dưỡng dồi dào (thuật ngữ gọi là phú dưỡng).
Có thể chia thành 2 nguồn gốc:
Tự nhiên. Trên thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới, hiện tượng tảo nở hoa lặp đi lặp lại, có khi nhiều năm một lần, khi lại chỉ vài tháng. Cứ đến một thời điểm nào đó, khi lượng dinh dưỡng cho tảo trong nước tăng lên cao, tảo lại đua nhau sinh nở và làm đổi màu nước. Sau một thời gian, hiện tượng tự hết. Các yếu tố tự nhiên như dòng hải lưu, thời tiết hay các hiện tượng như El Niño có thể góp phần trong việc tạo ra điều kiện thuận lợi để tảo nở hoa
Do tác động của con người. Nếu ở một nơi mà chưa từng xảy ra tảo nở hoa, hoặc hiếm xảy ra nhưng giờ xảy ra nhiều hơn, nguyên nhân là do các hoạt động của con người đã tác động đến môi trường nước. Ngoài ánh sáng, tảo còn cần các chất vô cơ khác như phosphat, nitrat, silicat, và sắt (tương tự như cây trên mặt đất cần bón phân đạm, phân lân). Việc sử dụng tràn lan phân bón hóa học trong nông nghiệp, rồi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp khi ra biển đều có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú cho tảo. Hiện tượng nước ấm dần lên cũng được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển.
Về cơ bản, mỗi loại tảo cần môi trường và chất dinh dưỡng khác nhau. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được điều kiện chính xác để tảo nở hoa. Cũng chưa có giải pháp nào xử lý hiệu quả hiện tượng này, thông thường chỉ đợi cho nó qua đi. Ở các nước thường xảy ra tảo nở hoa, người ta đã có thể giám sát, dự đoán và cảnh báo sớm cho người dân.
ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE CON NGƯỜI
Nếu cá chết do thiếu hụt ô-xy thì nhìn chung không ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp ăn phải hải sản đã nhiễm độc. Không chỉ ở cá đã chết, mà các loài thân mềm hai mảnh vỏ như ngao sò trai hàu có thể tích tụ chất độc mà vẫn sống, người ăn vào sẽ nguy hiểm. Tùy theo loại tảo độc và mức độ tích tụ của chất độc mà, khi ăn phải, tác động sẽ khác nhau, ví dụ khó thở, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt, v.v., có những trường hợp đặc biệt nặng gây chết người.
Chất độc cũng bị tiết ra môi trường. Chẳng hạn tảo Karenia brevis khiến người tắm biển bị kích ứng da. Chất độc của loại tảo này còn lan ra không khí và theo gió thổi vào bờ khiến những người hít phải cảm thấy khó thở.
Tùy theo loại tảo nào mà các nhà khoa học sẽ có khuyến cáo khác nhau về việc có nên tắm biển và ăn hải sản không, các điểm cần chú ý là gì. Tuy nhiên, nếu hải sản đã chết dạt vào bờ thì luôn luôn không nên ăn.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
Khi tảo tập hợp đủ dày sẽ thay đổi màu nước có thể quan sát được (song cũng có trường hợp không đổi màu). Một số loại tảo khi về đêm sẽ phát sáng. Có loại tạo ra từng đám bọt trắng theo sóng vào bờ. Tảo có thể theo gió gây mùi khó chịu hoặc khó thở. Tuy nhiên, mỗi loài tảo có đặc tính khác nhau, nên cần phải lấy mẫu nước để thử nghiệm mới có thể kết luận chính xác.
VỤ CÁ CHẾT Ở MIỀN TRUNG CÓ LIÊN QUAN TẢO NỞ HOA KHÔNG?
Việc này phải chờ các cơ quan nghiên cứu có trách nhiệm kết luận.
HỆ THỐNG XẢ THẢI CÔNG NGHIỆP CÓ LÀM CÁ CHẾT HÀNG LOẠT?
Hệ thống xả thải công nghiệp có thể liên quan theo 2 cách:
- Trực tiếp. Nhà máy xả trực tiếp chất độc ra môi trường. Chất độc này làm cá chết trực tiếp. Biển quanh các khu công nghiệp hầu hết bị ô nhiễm và hàm lượng các chất gây hại (bao gồm cả kim loại nặng) đều cao hơn ở vùng biển bình thường. Tuy nhiên, vấn đề cần xác định là hàm lượng đã đến mức gây chết nhanh chóng và hàng loạt cho cá hay chưa, nếu có thì cụ thể là hóa chất gì, và gây ảnh hưởng cho con người như thế nào.
- Gián tiếp. Chất thải từ nhà máy có nhiều chất dinh dưỡng (nitrat, phosphat, sắt v.v.) thuận lợi cho một loại tảo có hại nào đó nở hoa
CÂU HỎI
Hỏi: Tảo nở hoa có thể gây chết cá tầng đáy không?
Đáp: Có thể. Dù tảo sống ở tầng trên, hiện tượng thiếu hụt ô-xy vẫn xảy ra ở tầng dưới, do xác tảo chìm xuống và bị phân hủy bởi vi khuẩn dưới đáy.
Hỏi: Có thể nào nước biển vừa nhiễm hóa chất độc hại làm chết cá, lại vừa có tảo nở hoa không?
Đáp: Các hiện tượng cá chết hàng loạt thường chỉ có một nguyên nhân chính. Đối với câu hỏi này, về mặt lý thuyết, không thể có câu trả lời nếu không biết chính xác là hóa chất gì. Vì chủng loại tảo rất phong phú, các yêu cầu về môi trường sống của tảo và cá cũng khác nhau.
Hỏi: Tảo nở hoa đã từng xuất hiện tại Việt Nam chưa?
Đáp: Đã từng xuất hiện nhiều lần ở phía Nam, đặc biệt ở Bình Thuận gần như năm nào cũng có. Tuy nhiên, chưa có đợt tảo nở hoa nào được ghi nhận gây ra cá chết trên diện rộng tương đương vụ cá chết ở miền Trung vừa rồi.