Ebola là gì và lây nhiễm như thế nào

Cả thế giới đang lo lằng vì Ebola. Vậy Ebola là gì và nó lây nhiễm qua hình thức nào?

Virus Ebola dưới kính hiển vi điện tử
[Minh họa] Virus Ebola dưới kính hiển vi điện tử

1. Bệnh Ebola là gì?

Bệnh virus Ebola là một trong những bệnh nguy hiểm và tàn khốc nhất mà nhân loại biết đến. Hiện tại chưa có thuốc chữa cũng như vắc xin cho loại bệnh này. Chính vì thế, tỉ lệ tử vong của người nhiễm có thể lên tới 90%.

Thời gian ủ bệnh (từ khi virus thâm nhập vào cơ thể người cho đến khi xuất hiện các triệu chứng) nằm trong khoảng từ 2 đến 21 ngày, thông thường là 4 đến 6 ngày. Các triệu chứng bao gồm: cơ thể rất đau nhức, sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu trong và ngoài. Có những ca máu chảy qua lỗ chân lông vầ các lỗ trên cơ thể (mắt, miệng, vv.) trông rất đáng sợ. Bệnh nhân thường chết ở tuần thứ 2 từ khi xuất hiện các triệu chứng. Cũng có các bệnh nhân sau khi được chăm sóc tại cơ sở y tế đã lành bệnh.

Virus Ebola được phát hiện vào năm 1976 ở Châu Phi. Từ đó đến nay, đã có nhiều đợt dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện nay ở Tây Phi lớn hơn nhiều lần và có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu. Dịch bắt đầu từ Guinea và lan sang hai nước lân cận là Liberia và Sierra Leone, với hàng trăm người chết ở mỗi nước. Bệnh lan tới Nigeria khi một quan chức Bộ Tài chính Liberia bay tới Lagos (thủ đô Nigeria) khi đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng ở Nigeria không nghiêm trọng như ở 3 nước còn lại. Ở thời điểm hiện tại, chưa phát hiện bệnh lan đến các quốc gia khác (trừ việc một số người nước ngoài nhiễm bệnh ở Tây Phi được đưa về nước điều trị).

Những người có rủi ro bị lây nhiễm cao nhất là các nhân viên y tế (đã có khoảng 160 trường hợp nhiễm), các thành viên trong gia đình người bệnh, và những người thực hiện nghi lễ chôn cất. Thủ tục tắm rửa cho người thân trước khi chôn ở các quốc gia nói trên cũng làm cho tình trạng lây nhiễm thêm trầm trọng.

2. Bệnh lây như thế nào?

Những trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh là lây từ động vật sang người. Tuy nhiên, sự lây lan của virus chủ yếu là từ người sang người.

Khác với các bệnh cúm và HIV, Ebola không lây nhiễm trong thời kì ủ bệnh. Lây nhiễm bắt đầu khi các triệu chứng xuất hiện, và xảy ra ngay cả khi tiếp xúc với người bệnh đã chết.

Ebola không lây qua đường tiêu hóa. Cũng chưa có trường hợp lây nhiễm người sang người qua đường hô hấp nào được ghi nhận.

Virus Ebola có trong các chất lỏng từ cơ thể người bệnh như máu, chất người bệnh nôn (ói) mửa ra, nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, mồ hôi. Ngay cả khi đã chết, cơ thể người và các đồ vật xung quanh vẫn vương vãi các chất lỏng này và vẫn là nguồn lây bệnh. Khi một người lành tiếp xúc trực tiếp với các chất trên, virus sẽ sang cơ thể, và xâm nhập vào cơ thể qua màng mắt hoặc qua các vết xước trên da. Điều này có nghĩa là ngay cả khi đã tiếp xúc với virus, nếu nơi tiếp xúc không phải là mắt hay da có vết xước, thì người lành cũng không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, do triệu chứng của bệnh là nôn mửa, tiêu chảy, và chảy máu, nên khả năng người chăm sóc bệnh nhân sẽ tiếp xúc với các chất lỏng chứa virus và do đó nhiễm bệnh là rất cao, nếu ko được bảo hộ đầy đủ.

Virus cũng có thể lây nhiễm khi người lành dùng kim tiêm (chích) đã ô nhiễm, chẳng hạn kim đó đã tiêm cho người bệnh hoặc đã dính nguồn bệnh và chưa được khử trùng. Nó cũng có thể lây qua đường tình dục, dù đây chắc chắn ko phải là phương thức lây lan đáng kể (do bệnh ác tính và lúc đó chẳng ai còn tâm trạng nào để làm chuyển ấy). Tuy nhiên, người ta phát hiện virus Ebola vẫn còn tồn tại trong tinh dịch người bệnh đã khỏi. Vì thế, người bệnh được khuyên không sinh hoạt tình dục trong 7 tuần sau khi lành bệnh.

3. Khả năng lây lan ra toàn cầu

Ngày 8/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Ebola. Hầu hết các quốc gia đều đã có những hành động cụ thể để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch này. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Ebola, và đưa ra các kịch bản đối ứng với dịch.

Bệnh chỉ lây nhiễm khi người bệnh đã có triệu chứng, và càng về giai đoạn cuối khả năng lây lan càng mạnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh là nặng nề, nên khi đó hầu hết sẽ không ai còn đi du lịch sang nước khác cả. Nguy cơ lớn nhất là việc người bệnh đang ở giai đoạn ủ bệnh và đi du lịch sang nước khác. Vì thế, đối với các khách nước ngoài đến từ vùng có dịch, cần theo dõi chặt chẽ cho đến hết 21 ngày (là thời gian lâu nhất bệnh có thể ủ trước khi phát).

Các nhà khoa học đang khẩn trương nghiên cứu vắc-xin và thuốc chữa, và đã có những kết quả nhất định. Thuốc ZMapp của một công ty dược ở Mỹ đã chữa khỏi cho 2 người Mỹ. Tuy nhiên, nó lại thất bại với một linh mục Tây Ban Nha nhiễm bệnh, người đã chết 2 ngày sau khi dùng thuốc. Loại thuốc này sẽ tiếp tục được đưa vào thử nghiệm ở Liberia.

Khu vực bệnh dịch đang hoành hoành là khu vực nghèo đói, điều kiện y tế kém, chính phủ yếu. Nếu bệnh lan tới quốc gia khác có điều kiện sống tốt hơn, khả năng cách ly và xử lý không để thành dịch là hoàn toàn có thể.

Tham khảo:

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.