Tử Vi

Tử Vi theo cách Măng Cụt

Phương pháp Măng Cụt là cách tôi tiếp cận Tử Vi. Bài này sẽ giới thiệu “cách Măng Cụt” là cách như thế nào. Loạt bài tiếp sau tôi sẽ dần dần đi vào các chi tiết.

1. Tử Vi là gì (sơ lược)

Tử Vi là một phương pháp dự đoán tính cách và số phận con người.

Dữ liệu đầu vào gồm:

  • Giới tính (nam hay nữ)
  • ngày tháng năm sinh và giờ sinh (giờ âm lịch)

Giờ âm lịch là gì: mỗi ngày chia thành 12 giờ (mỗi giờ bằng 2 giờ dương lịch), từ giờ Tý đến giờ Hợi. Giờ Tý tính từ 23 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Giữa đêm là “chính Tý” (giữa giờ Tý) còn giữa trưa là chính Ngọ.

Các nhà Tử Vi bằng lý thuyết và kiểm nghiệm tìm ra các quy luật về sự phối hợp giữa các yếu tố đầu vào trên với tính cách và số phận con người. Nói nôm na thì nó giống nhận dạng mẫu. Tóm lại là dùng quy luật trong quá khứ để dự đoán tương lai (kiểu chuồn chuồn bay thấp thì mưa), không phải luôn đúng nhưng xác xuất cao hơn trung bình nên dùng để dự đoán được.

Việc lập lá số như thế nào đã có quy tắc nên có thể dùng phần mềm (tuy nhiên, phần luận đoán thì phần mềm thảy đều lởm). Chú ý là Tử Vi có nhiều môn phái, nên số lượng và cách thức an sao có các dị bản.

Tử Vi chỉ để tham khảo. Bạn dĩ nhiên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.

2. Phương pháp tiếp cận Măng Cụt

  1. Quan niệm khoa học. không coi Tử Vi là huyền bí, huyền học gì cả, chỉ đơn giản là phương pháp tính toán số học và tìm ra các quy luật.

  2. Nguyên tắc thực tiễn. Kết quả thực tế quyết định lý thuyết. Nếu lý thuyết khác thực nghiệm thì mở rộng suy nghĩ để điều chỉnh lại lý thuyết cho phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng khi giải quyết các vấn đề còn tranh cãi (ví dụ: tháng nhuận, sinh ở múi giờ nước ngoài) -> không được dùng lý thuyết để áp đặt, vì lý luận vốn “linh hoạt”, ngược hay xuôi rồi cũng đều tìm ra cách lý luận được hết.

  3. Phương pháp số học. Không dùng âm dương ngũ hành. Thay vào đó, dùng các khái niệm số học (như chẵn lẻ, số dư, đồ thị v.v.)

  4. Các sao là các phần tử được đặt tên cho dễ nhớ, không phải và không liên quan gì đến các sao thiên văn trên trời. Không dùng các khái niệm như “Nam đẩu tinh”, “Bắc đẩu tinh”, v.v.

  5. Nguyên lý Cung là Sao. Không dùng khái niệm “cung”. Coi “cung” và “sao” là một loại, nên gọi chung là “sao”. Ví dụ không gọi là “cung mệnh” mà gọi là “sao mệnh”. 12 cung thì được gọi là “chòm sao mệnh” gồm 12 sao (sao phụ mẫu, sao phúc, v.v). Hạn cũng vậy, là sao hết. Các cung cố định (cung Tý -> cung Hợi) cũng gọi là “Sao Tý” -> “Sao Hợi”. Như vậy, thay vì nói “Mệnh an tại Tý có Tử Vi tọa thủ” thì nói “Sao Mệnh, sao Tử Vi và Sao Tý nằm cùng chỗ”.

  6. Nguyên lý làm việc nhóm. Không dùng các khái niệm như “Miếu địa”, “Vượng địa”, “Đắc địa”, “Bình hòa”, “Hãm địa”. Thay vào đó, chỉ quan tâm đến các sao “làm việc nhóm” với nhau thế nào. Ví dụ “Sao Ngọ” làm tăng ưu điểm của sao Tử Vi.

  7. Nguyên lý 2 Chính Diệu. Coi chòm sao Tử Vi và chòm sao Thiên phủ đều đủ 12 sao. Ở các vị trí mà Tử Vi truyền thống bị khuyết, tạo thêm sao mới bằng cách lấy sao cùng chòm ở cung đối diện và thêm chữ “đối”. Ví dụ khi Cự Nhật và Dần cùng chỗ thì “Đối Cự”, “Đối Nhật” và Thân nằm 1 chỗ.
    Hệ quả: Luôn luôn có 2 sao chính (1 thuộc chòm Tử Vi, 1 thuộc chòm Thiên phủ) nằm cùng nhau. Không tồn tại khái niệm “Vô chính diệu”.

  8. Nguyên lý bình đẳng. Các “cung” quan trọng như nhau. Không đặt cung Mệnh hay Thân là quan trọng nhất. Việc đặt Mệnh là quan trọng nhất giống như việc thiên vị cho “cái tôi” trong tâm lý học (self bias, self center), coi mình là trung tâm. Đây chỉ là ảo giác. Cho dù Mệnh tựa phần “ý thức” thì, giống như tảng băng trôi, phần vô thức dưới mặt nước mới có vai trò quyết định. Mệnh là phần sân khấu được chiếu sáng, nhưng phần chuẩn bị phía sau sân khấu, phần khán giả ở dưới mới thành toàn bộ bức tranh. Theo năm tháng, khi hạn trôi đến phần nào, giống như ánh đèn pha sân khấu quét qua các vùng tối.

  9. TUẦN TRIỆT nắn dòng. Tuần Triệt giống như những tảng đá giữa dòng chảy lá số, làm cho nó bị nắn dòng, tạo ra những lối tắt, khiến các cung “thông” với nhau. Sẽ viết kỹ hơn như thế nào sau.

  10. Quy tắc “tháng 12 ngày”. Một tháng âm lịch có 29 hoặc 30 ngày, mỗi ngày như vậy tôi gọi là 1 “ngày_30”. Tử Vi Măng Cụt thêm khái niệm “ngày_12”, tức là một tháng chỉ gồm 12 “ngày_12” mà thôi (con số 12 rất quan trọng trong Tử Vi, có 12 năm theo địa chi, 12 tháng, 12 giờ => tôi cần con số 12 ngày_12 nữa). Như vậy không có nghĩa 1 ngày_12 bằng 2.5 ngày_30, vì cách tính còn phụ thuộc vào “cục” nữa. Ngày_12 dùng vào việc gì sẽ trình bày trong các bài sau.

  11. Nguyên lý 3 yếu tố. Các sao sẽ phải xác định được 3 yếu tố: gốc ở đâu, an theo yếu tố nào, và thuận hay nghịch. Ví dụ: Long Trì thì gốc ở Tuất, an theo Chi của năm, và theo chiều Thuận. Địa Không gốc ở Hợi, an theo giờ, theo chiều Nghịch. Sao Mệnh gốc ở Dần, an theo Tháng chiều thuận rồi Giờ chiều Ngịch. Tử Vi gốc ở Dần, an theo Ngày_12, chiều Thuận. Tiểu Hao gốc ở Tị, an theo Can của năm, thuận hay nghịch tùy theo các yếu tố khác.

  12. Sử dụng 3 yếu tố nói trên để xác định đặc tính của sao. Ví dụ với 12 gốc (Tý -> Hợi), mỗi gốc có 1 đặc tính, sao có cùng gốc sẽ có chung đặc tính đó. Lại nữa, an theo Chi có đặc tính riêng, theo Giờ có đặc tính riêng. Tương tự, thuận hay nghịch có đặc tính riêng. Kết hợp 3 yếu tố này có thể suy ra đặc tính của sao.

  13. Cũng dựa vào 3 yếu tố nói trên để xác định mức độ “hợp cạ” của các sao. Chẳng hạn các sao mà gốc tạo thành góc là bội của 120 độ là hợp cạ.

  14. Quan điểm về tốt xấu. Sao chỉ có “đặc tính”, không có “tốt” hay “xấu”. Sao nào cũng có mặt tốt mặt xấu, quan trọng là “làm việc nhóm” thôi

  15. Nguyên lý tích tụ. Lá số Tử Vi đại diện cho 1 giờ, sang giờ khác lá số khác. Lá số lấy vào giờ sinh sẽ có ảnh hưởng nhất (cái gì ban đầu chả ảnh hưởng hơn về sau). Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, mỗi giờ trôi qua ứng với 1 lá số và có 1 chút ảnh hưởng lên từng người. Đây là điều rất quan trọng khi xem hạn. Hình dung đặt “lá số của hạn” lên trên lá số của người xem để xem tính tương thích, phối hợp.

Đây là ý chính. Các chi tiết sẽ làm rõ dần dần.

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.