TÀO LAO

Quy trình phần mềm & Tháp nhu cầu Maslow

Ở FPT Software, làm gia công phần mềm, nên ngay từ đầu các sếp dòm sang các bạn Ấn và nhận ra ngay tầm quan trọng của các chứng chỉ quốc tế mức tổ chức, nhất là CMMI. Có nó mới đi sales được, chứ những ngày đầu bọn Tây bọn Nhật biết mình là thằng khỉ nào đâu mà trao trứng cho ác.

Mỗi lần làm việc với các công ty giải pháp phần mềm hàng đầu ở Nhật, từ NTT Data cho đến Hitachi Solution hay Nomura Research Institute, khi đem khoe CMMI các bạn đều mồm chữ o mắt chữ a:

“Cái gì??? FPT bọn mày mà đạt CMMI tận level 5 á? Vãi nhỉ! Bọn tao chỉ đạt level 4, mà cũng có phòng đạt phòng không chứ không thể đạt mức toàn công ty như bọn mày”.

Rồi làm với nhau hồi lâu, nếm đủ trái đắng, bạn cũng hiểu:

“Bọn mày chỉ có cái mác level 5, còn làm thực tao thấy giống… level 1 hơn”.

CMMI là cái của nợ gì?

Hiểu nôm na thì nó thế này. Trong sản suất có cái ISO 9000 thì trong phần mềm có CMMI. Nó là một chương trình đánh giá mức độ trưởng thành về quy trình làm phần mềm của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo về cái món này.

CMMI có 5 cấp độ. Hiểu nôm na là ở tầng thấp thì tự phát, vô chính phủ, lửa bùng chỗ nào dập chỗ đó, dính bầu rồi mới đi phá, thành công nếu có phụ thuộc vào 1 người hùng, khi thành lúc bại. Còn càng lên tầng trên thì kiểm soát tốt, phòng tránh thai thay vì phá thai, dự án nào kết quả cũng “ổn định” như dự án nào, không những thế ngày càng hoàn thiện dự án sau học từ dự án trước.

CMMI không phải là quy trình. Công ty nào mà chẳng có quy trình rồi, thật đấy. Đến chuyện rán trứng cũng có quy trình đập vỏ bỏ chảo đảo đảo nhấc ra, không thì sao mà làm được. CMMI sẽ giúp bạn cải tiến quy trình. Nó đưa ra 1 mớ tiêu chí đánh giá, mà phải thỏa mãn thì mới được công nhận. Chẳng hạn để lên được tầng 2 thì làm dự án phải có kế hoạch ngon nghẻ, và theo dõi kiểm soát được việc thực thi theo kế hoạch. Lên tầng 3 thì phải có quy trình chuẩn hóa mức tổ chức, phải quản trị được rủi ro, phải có phương pháp đánh giá cân nhắc các giải pháp trước khi đưa ra quyết định. Tầng 4 thì phải quản lý bằng những chỉ số đo đạc được một cách định lượng. Tầng 5 thì liên tục cải tiến đổi mới.

Làm theo cách nào để thỏa mãn tiêu chí của mỗi tầng thì làm, vì CMMI không ép buộc phải làm cụ thể như thế này hay thế kia. Vì thế, nó không mâu thuẫn gì với Agile/Scrum/Kanban hay bất kì phương pháp làm phần mềm nào cả. Đơn giản là để được chứng nhận CMMI, bạn phải trả lời được các câu hỏi nó đưa ra. Và các câu hỏi này chỉ làm quy trình tốt hơn mà thôi, bất kể quy trình đó đang là Agile, Waterfall, hay là công ty bạn tự nghĩ ra.

Dĩ nhiên là nhiều công ty tiếp cận theo hướng cố kiếm CMMI để sales, mà chả biết làm thế nào, nên phải xì tiền nhờ bọn nào đó tư vấn, đào tạo. Hội tư vấn thường đưa ra các “ví dụ” (chẳng hạn các tài liệu mẫu, các cách làm mẫu, vv). Các ví dụ này thường khá loằng ngoằng, bê vào áp dụng máy móc thì lợi bất cập hại.

Tháp nhu cầu Maslow

Bạn biết ông Maslow không? Ông ấy cũng chia nhu cầu con người thành 5 tầng. Thế nên dù chả liên quan gì ngoài việc số tầng đều là 5, tôi cũng cố lái nó với CMMI để so sánh xem sao.

Ở đây là so sánh về biểu hiện.

  • Maslow: biểu hiện khi 1 người đáp ứng nhu cầu ở cấp đã cho
  • CMMI: biểu hiện khi 1 đội dự án thỏa mãn tiêu chí của cấp đã cho
Cấp độ Maslow CMMI
1 Bươn chải từng ngày vì miếng cơm manh áo. Không biết trước ngày mai. Sống chết dựa vào may mắn. Náo loạn. Dập lửa. Không biết ngày mai lửa bùng chỗ nào. Sống chết dựa vào 1 anh hùng.
2 Có nơi ở, việc làm. Yên ổn ngắn hạn. Lâm nguy nếu mất nơi ở, mất việc. Có kế hoạch và có sự theo dõi kiểm soát. Sự cố xảy ra mới xử lý, chưa có cơ chế phòng ngừa hiệu quả.
3 Có các mối quan hệ, khi lâm nguy được che chở, giúp đỡ. Chưa tự tin, thiếu đánh giá cao từ người khác. Quản trị được rủi ro. Có thể dựa vào tổ chức. Yếu ở khả năng đánh giá xu hướng và nhận ra các yếu điểm mức tổ chức.
4 Tự tin về năng lực bản thân, được người khác tôn trọng, ghi nhận. Băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời. Tự tin vì nắm được thực trạng và xu hướng chung, kết quả có thể dự đoán trước. Mong muốn cải tiến đến tự nhiên, không ép buộc.
5 Chuyển hóa, cách mạng, giác ngộ Đổi mới, liên tục cải tiến

Cũng liên quan ra phết :D

Công ty nhỏ thì không cần, nhưng công ty lớn với các dự án đông người nhiều bên, nếu áp dụng được CMMI (hoặc các mô hình tương tự như Six Sigma, Lean, v.v.) một cách thực chất sẽ rất hiệu quả. Đa số các công ty của ta, bất kể đã luyện thi để được treo ảnh ở tầng nào, trên thực tế đều chỉ đang ở tầng 1 và 2, tuy nhiên có một số áp dụng được thêm một số cách làm tốt (practice) của tầng cao hơn.

Thôi mình đi ngủ đây sáng mai còn đi làm sớm để xin lỗi khách hàng.

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.