Mối họa mang tên Trí tuệ nhân tạo (tiếp)

bài trước, tôi đã giải thích vì sao Trí tuệ Nhân tạo (AI) có thể đạt mức ngang và vượt trí tuệ con người trong thế kỉ 21 này. Ở bài này tôi sẽ phân tích các nguy cơ của việc này, đặc biệt là hiểm họa đối với sự tồn vong của loài người.

Phát minh cuối cùng
Máy móc có trí tuệ siêu việt sẽ là phát minh cuối cùng của loài người?

Khi trí tuệ của máy móc đạt đến tầm con người, có hai mức độ của sự thông minh.

  1. Máy móc thông minh gần như con người nhưng có tốc độ suy nghĩ và tính toán vượt trội con người
  2. Máy móc sẽ tự hoàn thiện mình để có chất lượng suy nghĩ vượt trội con người

Nếu bạn chưa thấy bị thuyết phục là Trí tuệ Nhân tạo (AI) sẽ đạt tới tầm trí tuệ con người thì hãy đọc phần trước.

Ở mức 1, máy móc có thể chưa tự nó trở nên nguy hiểm với con người. Nó sẽ chỉ nguy hiểm nếu bị rơi vào tay các nhóm có ý đồ xấu để sử dụng vào các mục đích xấu. Dù vậy, hiểu được mối nguy hại này, thế giới sẽ có cách ngăn chặn giống như chúng ta đang làm với vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở bài trước, khi đã đạt mức có thể tự lập trình cho chính mình, máy móc sẽ không dừng lại, và sẽ đạt tới mức 2: chất lượng của trí tuệ cao hơn con người nhiều lần. Và một khi đã cao hơn thì sẽ bỏ xa con người rất nhanh. Lúc này quyền kiểm soát không còn ở trong tay chúng ta.

Thử tưởng tượng, trên bậc thang của trí tuệ cao dần, loài khỉ rất gần loài người nhưng còn xa mới hiểu được các ý định của chúng ta. Còn nếu so sánh con người với loài mối - hay xa hơn nữa là các loài cây cối - thì khoảng cách vời vợi đến mức loài bậc thấp không "nhận thức" được loài bậc cao. Thử hỏi, nếu "loài máy móc" phát triển hơn con người cả ngàn bậc thang, thì sự khác biệt lớn đến cỡ nào. Khi đó, việc con người cố gắng kiểm soát máy móc trở nên nực cười, giống loài mối tính chuyện kiểm soát con người. Sự tồn tại của con người khi đó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ của máy móc.

Máy móc khi vượt hẳn sinh vật cả về tốc độ và chất lượng của trí tuệ

Tuy nhiên, việc máy móc thông minh vượt trội con người không có nghĩa là dấu chấm hết cho chúng ta. Loài mèo không thông minh như con người nhưng đâu phải vì thế mà chúng bị tuyệt chủng. Các loài côn trùng cũng vậy, dù trí tuệ rất "cơ bản" nhưng không những không bị tuyệt chủng mà số lượng thậm chí có loài còn ngày một nhiều. Sự tồn tại của một loài chỉ bị đe dọa bởi loài người nếu:

  • Chúng tấn công hoặc cạnh tranh với loài người
  • Chúng được dùng làm thức ăn, thuốc men, hay trang sức cho loài người
  • Chúng chẳng may nằm đúng trên đường của chúng ta nên bị "dẹp". Hoặc chúng chịu "tác dụng phụ" của các hoạt động của con người gây ra.

Vậy thì, thử nghĩ về câu hỏi: động cơ gì có thể khiến máy móc với trí tuệ siêu việt muốn kết liễu số phận loài người? Theo Maslow, con người có 5 mức nhu cầu, từ cơ bản như ăn uống tình dục cho tới cao hơn như muốn được quan tâm và ghi nhận vv. Vậy nhu cầu của máy móc là gì, có giống con người?

Trở lại quá trình tiến hóa của sinh vật, chọn lọc tự nhiên chỉ có một mục tiêu căn bản: sự sinh tồn. Các nhu cầu và động cơ được hình thành và tiến hóa là hệ quả của việc đấu tranh cho mục tiêu này. Chạy trốn, săn mồi, ngủ để tồn tại. Giao phối để duy trì nòi giống. Tập hợp thành bầy đàn, có con đầu đàn để tăng khả năng bảo vệ và săn mồi. Từ đó mà các nhu cầu thu hút bạn tình, nhu cầu giao lưu, nhu cầu chứng tỏ bản thân, được thừa nhận, vươn lên thủ lĩnh, vv phát triển dần đến mức phức tạp như xã hội con người ngày nay. Không biết vì sao tự nhiên lại chọn mục tiêu cao nhất là sinh tồn, chỉ biết rằng nếu không như thế thì hôm nay chúng ta không có ở đây để bàn bạc. Mục tiêu chỉ khác đi một chút, toàn bộ thế giới sinh vật sẽ phát triển theo một cách rất khác, thậm chí chỉ tồn tại trong thoáng giây.

Máy móc hoàn toàn khác. Ở mức sơ đẳng như các máy tính thông thường ngày nay, con người phải lập trình để máy thực hiện theo từng bước một. Khi máy phát triển lên mức thông minh hơn, con người chỉ cần ra lệnh, hay nói cách khác là chỉ ra mục đích cần đạt được, máy sẽ tự nghĩ ra các bước để hoàn thành. Tuy nhiên, cũng chính điều này là nguồn cơn của sự nguy hiểm. Các cách làm mà máy móc nghĩ ra, dù rất hiệu quả để đạt mục đích, nhưng có thể gây hại rất lớn cho con người.

Hãy nghĩ xem, với mục đích là "kiếm tiền", con người có nhiều cách. Ví dụ "làm việc chăm chỉ" - một hành động "tốt". Hoặc đi cướp của người khác - một hành động "xấu". Với mục đích giảm cơn đói, ăn thịt người là vô cùng sai trái, ăn thịt khỉ chúng ta thấy hơi tội lỗi, ăn thịt chó nhiều người cũng thấy không thoải mái; ăn thịt gà, bò, lợn thì vô tư đi, ăn rau quả hay uống kháng sinh diệt vi khuẩn thì hoàn toàn không thấy tội lỗi gì. Vì sao lại thế, tất cả chúng đều là sinh vật cả đấy! Hóa ra là loài nào mà mức độ phát triển càng gần gũi với con người thì chúng ta càng thương tiếc. Một hành động là "tốt" hay "xấu", là "đúng" hay "sai" được đánh giá bằng cách soi vào chiếc gương "giá trị đạo đức" của con người. Các loài vật càng "xa" con người trên bậc thang phát triển, càng không soi chung chiếc gương đấy. Thế thì máy móc, vốn thậm chí không phải là loài sinh học, khi phát triển lên mức siêu trí tuệ cũng ở bậc thang khác xa con người - không có lý do gì cho rằng máy móc mặc định sẽ soi chung chiếc gương với chúng ta. Điều đó có nghĩa là, để đạt được mục đích đề ra, máy móc sẵn sàng làm những điều "xấu" với con người - đối với nó đây không phải là việc sai trái. Giống như để đạt mục đích trồng rau thì phải nhổ cỏ thôi - thương tiếc gì đám cỏ dại. Vậy đấy!

Các phim Hollywood có xu hướng "nhân hóa" máy móc, mang cơ thể và tính cách con người. Thực tế, khái niệm "tốt" và "xấu" theo thước đo của con người không thể áp dụng với máy móc.

Để tránh điều này, việc đầu tiên ta có thể nghĩ tới là: hãy lập trình cho máy móc những mục tiêu có lợi cho loài người. Nhưng vấn đề thực ra phức tạp hơn thế. Ngay cả khi mục đích của máy móc là tốt, thì cách làm của nó có thể làm chúng ta rất ngạc nhiên. Chẳng hạn, nếu mục tiêu đưa ra cho máy móc là "đảm bảo sự an toàn của con người" thì điều hiển nhiên một cách làm tốt là nhốt toàn bộ loài người vào trong các lồng sắt. Hoặc mục tiêu là "làm con người vui vẻ" thì cách dễ nhất là kích thích các dây thần kinh tạo cảm giác vui vẻ trong não, và xóa đi các tín hiệu hoặc các kí ức không vui - khiến chúng ta suốt ngày cười như thằng dở hơi. Những cách làm "sáng tạo" như vậy của máy hẳn là khiến chúng ta lo ngay ngáy.

Như vậy, để con người có thể yên tâm thì chúng ta phải lập trình được cho máy móc 2 việc:

  1. Mục tiêu căn bản, hay bản năng, của máy móc là sự sinh tồn của con người
  2. Khi làm bất kì việc gì có ảnh hưởng đến thể chất hoặc tinh thần của con người, máy móc phải làm theo cách ít ngạc nhiên, trong phạm vi mà con người cảm thấy kiểm soát được và thoải mái

Dĩ nhiên là việc thiết kế được máy móc tuân theo 2 nguyên lý cơ bản trên là vô cùng khó. Để làm được việc thứ nhất, đưa sự sinh tồn của người thành bản năng của máy, cần phải thiết kế ở mức phần cứng để các phản ứng liên quan xảy ra một cách vô thức - giống như chúng ta thấy nóng tự động rụt tay lại. Để làm được việc việc thứ 2, máy phải thật sự hiểu con người và chia sẻ các giá trị xã hội và đạo đức - điều này dù chúng ta chuẩn hóa trước và đưa vào cho máy hay để máy tự "học" cũng vô cùng phức tạp. Hơn nữa, chúng ta cũng không chắc chắn là 2 nguyên lý này đã đủ để đảm bảo các máy móc sẽ "thân thiện" với con người chưa. Nhưng ít nhất nó cũng là ý tưởng khởi đầu để những người quan tâm về lĩnh vực này suy nghĩ.

Nghĩ theo cách khác, việc con người tìm cách cho máy móc "phục vụ" mình có phải là ích kỉ? Việc máy móc siêu trí tuệ thay thế con người ở vị trí thống trị, nhìn ở góc độ khác, có lẽ là sự tiến hóa tự nhiên. Thực chất quá trình phát triển đi lên bao giờ cũng vậy, thay đổi, rồi lại quay về cái cũ nhưng ở mức cao hơn. Từ vật chất vô tri lên sinh học, rồi lại quay lại máy móc - một dạng "vật chất vô tri" ở cấp độ cao hơn. Tiếp sau này sẽ là dạng "sinh vật" ở mức độ cao hơn? Cũng có thể thế, nhưng bởi vì chúng ta là con người, tuân theo bản năng sinh tồn mà Tạo hóa sinh ra, không thể khác, trước tiên cứ phải cố gắng vì lợi ích "ích kỉ" của chính con người trước đã.

Việc con người đang làm với trí tuệ nhân tạo hiện tại có thể ví như những đứa trẻ nghịch bom. Hý hoáy, tò mò mà chưa nhìn nhận hết sự nguy hiểm của nó. Nhiều tỉ USD được bỏ ra để nghiên cứu máy móc thông minh hơn, nhưng rất ít nỗ lực dành cho việc nghiên cứu cách kiểm soát chúng ngoài một vài tổ chức phi chính phủ. Đã đến lúc cần thay đổi.

Con người đang làm với Trí tuệ Nhân tạo giống như trẻ em chơi bom

Ở một thái cực khác, nếu chúng ta ứng dụng được máy móc siêu trí tuệ, thì những lợi ích to lớn đang chờ đợi ở phía trước - không chỉ giải các bài toán toàn cầu phức tạp đang đặt ra - mà thậm chí có thể thay đổi quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Tôi sẽ trở lại chủ đề này ở phần tiếp theo của loạt bài này.

Bài tiếp: Giấc mơ cải lão hoàn đồng
Con người sẽ tham dự vào quá trình tiến hóa sinh học, vốn hàng triệu năm được thực hiện bởi tự nhiên.

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.