Tiếp bài về cuộc tháo chạy của Mỹ và những người Việt liên quan khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn 41 năm trước (30/4/1975).

Phần: 12

NGOÀI BIỂN

Không thể trông chờ gì vào các chuyến trực thăng của Mỹ, rất nhiều người Việt phải tự lo cho mình và gia đình.

KHÔNG QUÂN. Khi Berry đến đón toán lính cuối cùng trên nóc tòa đại sứ vào bình minh ngày 30/4, từ trên máy bay nhìn về phía xa, ông thấy chi chít các đốm nhỏ nhìn rõ trên nền trời hửng sáng, trông như đàn chuồn chuồn rời tổ. Đó là các trực thăng của không quân VNCH đang tìm đường ra các tàu của Mỹ ngoài khơi. Từ tối ngày 28/4, không quân VNCH đã bắt đầu mạnh ai nấy chạy từ cấp chỉ huy. Thậm chí họ còn cướp 6 máy bay đang đỗ trong căn cứ của Air America. Ai có máy bay đi được xa thì mang gia đình bay sang căn cứ không quân của Mỹ tại Thái Lan, còn không thì ra biển tìm các con tàu để đáp.

Hải quân Mỹ đã không lường trước việc này. Do không có đủ chỗ trên các boong tàu cho đống trực thăng ngoài dự kiến này nên thủy thủ đoàn phải cùng nhau đẩy nhiều chiếc xuống nước để lấy chỗ. Các chuyến đến sau, phi công được yêu cầu nhảy ra ngoài và cho máy bay đâm xuống nước, sẽ được vớt lên tàu. Bởi không phải ai cũng thạo món này nên đã có trực thăng bị va chạm với thành tàu.

Đẩy xuống biển
Đẩy trực thăng trên boong tàu xuống biển để lấy chỗ trống

Có một câu chuyện vẫn được kể lại nhiều là vụ hạ cánh của chiếc máy bay trinh sát L19 trên boong hàng không mẫu hạm USS Midway. Boong tầu không được thiết kế cho loại máy bay này đáp. Tuy nhiên, trên cabin vốn chỉ được thiết kế cho 2 người khi đó, ngoài thiếu tá Lý Bửng còn có vợ và 5 đứa con của ông chen chúc nhau. Không thể đáp xuống biển vì sẽ không giữ được tính mạng cho lũ trẻ, mà xăng thì không thể đủ để bay qua Thái Lan.

Ông kể lại với tờ Viễn Đông ở hải ngoại.

Tôi xin nó cho mình đáp xuống, nhưng khổ nỗi trên máy bay của tôi không có vô tuyến để liên lạc với dưới hàng không mẫu hạm, nên tôi cứ bay vòng vòng xung quanh nó và dùng các phương pháp mình đã học để áp dụng cho nó hiểu mình xin đáp nhưng chẳng thấy dấu hiệu trả lời! Sau đó tôi nghĩ ra cách viết ghi chú cho họ hiểu là tôi xin đáp.

Đầu tiên tôi cột vào con dao và bay sát con tàu, tôi mở cửa liệng dao xuống. Nó đụng sàn tàu, tưng lên rơi xuống biển. Sau đó tôi làm cái thứ hai, thứ ba, cột vào dây súng thảy xuống, cũng rơi luôn xuống biển. Lần thứ tư, tôi cột vào khẩu P38, bay thật thấp và liệng xuống. Lần này nó không rơi xuống biển. Tôi nhìn thấy một người chạy lại lượm lên coi và chạy biến đi, không biết đi đâu. Sau khi xuống tàu, được biết khi lượm và đọc ghi chú của tôi, họ chạy ngay lên báo cho hạm trưởng.

Tôi bay mấy vòng nữa quan sát thì thấy họ đang dọn dẹp mấy chiếc trực thăng đậu trên phi đạo cho gọn lại, lúc đó tôi biết họ đồng ý cho mình xuống.

Lý Bửng hạ cánh
Thiếu tá Lý Bửng hạ cánh trên boong USS Midway

Chiếc L19 bay là là rồi đáp xuống boong, chạy thêm 1 đoạn rồi dừng lại an toàn. Đám đông trên tàu bâu lại chúc mừng và giúp bế mấy đứa nhỏ ra.

Thiếu tá Nguyễn Văn Ba, một phi công khác, lái chiếc Chinook (CH-47) bay về hạ cánh ở một sân chơi để đón gia đình. Ông cùng các đồng đội nấn ná đợi lệnh ở cấp trên, nhưng chẳng có lệnh nào cả, các chỉ huy đã mạnh ai nấy chạy hết cả. Chiếc Chinook tổ chảng đành lần tìm ra biển, cố gắng tìm một tàu chiến để hạ cánh. Cuối cùng, ông tìm được khu trục hạm USS Kirk, nhưng chiếc tàu quá nhỏ. Các thủy thủ xua tay đuổi, thậm chí rút súng dọa. Nhưng chiếc trực thăng vẫn kiên trì bám theo – họ thật sự không còn đường nào khác.

Chinook xin đáp
Thủy thủ tàu USS Kirk ra hiệu không được đáp

Cuối cùng, các thủy thủ đành chào thua. Máy bay là là trên boong và từng người nhảy xuống từ độ cao dăm mét. Rồi một bà mẹ thò ra, một tay bám lấy ô cửa máy bay, tay kia là bé gái chưa đầy 1 tuổi. Bà thả xuống. Tất cả mọi người nín thở. Rất may, các thủy thủ đã đỡ cháu bé an toàn.

Thả em bé xuống tàu
Em bé được 1 thủy thủ đỡ an toàn

Khi chỉ còn một mình, viên phi công vòng máy bay ra xa, loay hoay chừng 10 phút mới cởi được bộ đồ bay mà đáng ra anh phải nhờ ai đó cởi hộ trước đó. Chiếc Chinook nặng nề nghiêng sang một bên sà xuống mặt biển, phi công lao ra ngoài phía bên kia, lặn sâu để tránh các mảnh vỡ, rồi trồi lên. Anh được vớt lên tàu an toàn, trừ việc vài cây vàng cất trong áo thì đã rơi ra biển.

Chiếc Chinook sà xuống nước
Chiếc Chinook sà xuống nước

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như thế. Trong cái ngày hôm đó, có lẽ có nhiều máy bay khác không tìm được tàu để đáp, xăng dần cạn kiệt, và không ai biết những người trên đó đã về đâu.

***

HẢI QUÂN. Trong khi lực lượng không quân hoảng loạn như rắn mất đầu thì phía hải quân VNCH vẫn còn ít nhiều giữ được sự kiểm soát. Vào 7 giờ tối ngày 29/4, các hạm đội được lệnh di chuyển ra tập hợp tại Côn Sơn (Côn Đảo). Trên các boong tàu, ngoài thủy thủ đoàn, còn có người thân gia đình họ, và hàng chục ngàn người dân. Rất nhiều người phân vân: đi hay ở? Có người thì lạc gia đình không muốn đi một mình, kẻ chỉ đơn giản là muốn ở lại. Những ai không muốn đi được cho lên tàu để vào lại bờ. Dẫu vậy, cho đến phút khởi hành, vẫn còn tàu họp nội bộ dùng dằng chưa quyết.

Tàu 402
Một trong những con tàu tập trung tại Côn Sơn

Richard Armitage (người sau này trở thành thứ trưởng ngoại giao Mỹ), khi đó 30 tuổi, được giao nhiệm vụ hỗ trợ và dẫn đường cho các chiến hạm VNCH di tản. Ông đáp trực thăng xuống tàu USS Kirk và cùng thủy thủ đoàn tiến thẳng ra đảo Côn Sơn. Tới nơi, ông không tin vào mắt mình khi thấy những gì còn lại của hải quân VNCH, đủ loại tàu to nhỏ, nhiều cái hư hỏng, ộp ẹp, gỉ sét, trên boong chất hàng đống người, có cái gấp cả chục lần sức chứa. Kế hoạch buộc phải thay đổi. Đội tàu này không thể nào đi tới đảo Guam xa xôi như dự kiến được nên điểm đến được thay đổi thành căn cử Hải Quân Mỹ ở vịnh Subic, Philippines.

Sáng mùng 1 tháng 5, 43 con tàu “đủ sức khỏe” được chọn lựa để rời bến, chở theo 4000 thủy thủ và 30 ngàn người dân. Dẫn đường là tàu Mỹ USS Kirk.

Trên 1 con tàu
Người di tản trên 1 con tàu

Dương vận hạm Thị Nại (HQ-502), con tàu từ thời thế chiến thứ 2 được Mỹ chuyển cho hải quân VNCH, lúc đó đang hư hỏng và sửa chữa trong Hải Quân công xưởng. Dù vậy, người ta vẫn tranh nhau theo chiếc cầu tàu duy nhất, vừa nhỏ vừa dốc, để lên tàu.

Nhiều người có mặt hôm đó đến nay vẫn không sao quên được tiếng kêu thất thanh của 1 người phụ nữ “ối con tôi con tôi rơi rồi”. Trên cầu tàu chen chúc, đứa bé trượt tay mẹ rơi xuống dòng nước tối tăm. Không ai có thể giúp, ngoài việc kéo người mẹ rã rời ngất lên ngất xuống trên tàu. 40 năm sau, cô vẫn không thôi ám ảnh bởi tiếng đứa bé hoảng hốt gọi “mẹ ơi” lần cuối đó.

5000 người đen đặc khắp các xó xỉnh bên boong dưới hầm và trong các phòng trên tàu Thị Nại. Sau khi sửa tạm bợ, tàu nhổ neo ra khơi. Phía trên cao, từng đợt trực thăng vẫn từ Sài Gòn túa ra biển. Một chiếc bay sát tàu Thị Nại, cửa mở, bên trong chật ứ đàn bà trẻ con, đồng loạt chắp tay về phía tàu mà lạy. Phi công mò được tần số của Thị Nại, cầu xin “Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. Nhưng tới điểm hẹn chỉ thấy biển mông mênh, tàu Mỹ đâu không thấy, nên phải quay về. Tàu tôi chỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi…”. Các mùng màn vật dụng ngổn ngang trên boong tàu được thu dọn cấp tốc, trực thăng đáp xuống an toàn. Dọc đường, tàu Thị Nại còn vớt thêm một xà lan đầy phụ nữ và trẻ em, cho 1 trực thăng nữa đáp xuống, 2 phi công thám thính khác nhảy khỏi máy bay xuống biển nhưng chỉ vớt được 1 người, người còn lại va chạm khi nhảy và chết mất xác.

Cứ như vậy, đoàn tàu ì ạch vừa đi vừa đợi nhau, vượt ngàn hải lý mất cả tuần trời. Tưởng tượng mấy chục ngàn con người chen chúc, ăn uống, bài tiết, ốm đau, khổ sở thế nào. Đủ loại trải nghiệm, đủ loại cảm xúc trên đời.

Chiều ngày mùng 7 tháng 5, đoàn đến vịnh Subic. Lại thêm 1 rắc rối: phía Philippines không cho các tàu của VNCH vào. Cuối cùng quyết định được đưa ra: hạ cờ và biển hiệu VNCH xuống và dựng cờ Hoa Kỳ. Vũ khí trên tàu cũng phải dỡ bỏ hết, thậm chí người chết phải quẳng xác xuống biển vì không được đem vào.

Khi cờ hạ xuống, mọi người đồng thanh hát quốc ca. Nhiều người khóc. Sau đó, tàu được vào bến. Trong những ngày sau đó, đoàn người lần lượt được sắp xếp để lên các chuyến tầu khác, chủ yếu là tàu Mỹ, để đi đảo Guam.

Trong lần ra đi đó, không chỉ có các tàu quân đội mà còn rất nhiều tàu dân sự. Tàu Việt Nam Thương Tín vốn là một tàu thương mại, sau khi xuất bến Bạch Đằng với 650 người trên boong, ra đến biển đã nhập vào với đoàn tàu của hải quân VNCH. Thương thuyền này được tận dụng để đi tiếp sang đảo Guam, không ngờ sau này nó được lãnh một sứ mệnh quan trọng khác: chở những người đã đi quay trở lại.

Số là, trong số hơn 11 vạn người Việt tập trung tại các trại tạm cư ở đảo Guam chuẩn bị để di cư tiếp (chủ yếu sang Mỹ), có 1600 người xin quay lại (có cả 100 người đã sang đến Bắc Mỹ cũng muốn trở lại Guam để hồi hương). Rất nhiều trong só đó là các quân nhân ra đi trên các con tàu tàu hải quân VNCH, trong lúc đoàn nhổ neo họ bị buộc đi theo mà chưa tìm được gia đình. Có cả các lính không quân theo đơn vị sang căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Lan, rồi muốn quay về mà không được cho phép (thậm chí có 13 người tố cáo họ bị phía Mỹ tiêm thuốc mê cho khỏi “lằng nhằng”, và chuyển từ Thái sang thẳng đảo Guam). Ở đảo Guam, họ đã biểu tình, tuyệt thực, cạo đầu, treo ảnh bác Hồ cùng khẩu hiệu “tinh thần cụ Hồ Chí Minh bất diệt”, làm đủ mọi cách đấu tranh để được hồi hương. Điều này khiến một số người bị cho là “Việt Cộng nằm vùng” còn phía Việt Nam lại nghi ngờ là gián điệp CIA cài vào để quay lại “phá hoại”.

Hãy giết chúng tôi hoặc trả chúng tôi về
(chữ trên áo một người đòi hồi hương)

Cạo đầu đòi hồi hương
Người di tản cạo đầu và tuyệt thực đòi hồi hương

Ngày 16/10/1975, đúng 1546 người lên tàu Thương Tín khởi hành quay về Việt Nam. 11 ngày sau, tàu cập bến Vũng Tàu. Trong khi phía cựu binh VNCH cho rằng đa số người hồi hương bị cho vào các trại giáo dục cải tạo nhiều năm, thì phía Việt Nam cho rằng phần lớn được trả về với gia đình. Thuyền trưởng của chuyến trở về, cựu trung tá hải quân VNCH Trần Đình Trụ, đã cùng gia đình sang lại Mỹ năm 1991.

Phần lớn các con tàu của hải quân VNCH sau đó được hải quân Philipines đổi tên và cho vào biên chế. Dù đa số được Mỹ đóng từ Thế Chiến II, các tàu này vẫn được sử dụng hàng chục năm sau đó. Tàu Thị Nại được cho nghỉ hưu năm 2001, nhưng nó không phải là tàu được sử dụng lâu nhất. Tàu Vạn Kiếp II còn được sử dụng đến tận 2010, và nổi tiếng nhất có lẽ là tàu Mỹ Tho, được hải quân Philippines cho “mắc cạn” tại Bãi Cỏ Mây (Quần đảo Trường Sa) từ 1999 đến nay, làm tiền đồn cho nhóm lính thủy đánh bộ trú ngụ.

Tàu Mỹ Tho (HQ-800)
Tàu Mỹ Tho (HQ-800), Philipines gọi là BRP Sierra Madre, đang “mắc cạn”

THUYỀN NHÂN. Nhiều người khác thấp cổ bé họng chỉ còn cách duy nhất: họ dùng đủ các loại thuyền khác nhau, chèo ra các tàu Mỹ ngoài khơi. Một số tàu Mỹ ở lại tiếp tục trục vớt trong những ngày sau đó. Ít lâu sau thì Mỹ chính thức ngừng trục vớt.

Tuy vậy, từng đợt người ra đi không dừng lại. Trong suốt thập kỉ sau đó, vì các lý do chính trị, kinh tế, và cả tâm lý, ước tính cả triệu người tiếp tục lén lút hoặc đưa tiền để ra đi mà không biết đầy đủ về những hiểm nguy phía trước, trên những chiếc thuyền mong manh, hoặc vượt rừng núi hiểm trở sang Campuchia và Thái Lan, dẫn đến nhiều thảm cảnh tồi tệ.

Thuyền nhân trên 1 bãi biển
Thuyền nhân Việt Nam trên bãi biển Malaysia - 1979 (Ảnh: Terry Fincher)

Nhiều năm sau, cuối cùng Hoàng Thị Oanh Oanh và các anh chị em cũng sang Mỹ trên một trong những chiếc thuyền như vậy. Sau này, cô kể lại câu chuyện không thể nào quên của mình cùng nhiều người khác trong cuốn sách Thuyền nhân.

KẾT

Cuối cùng thì Mỹ cũng hỗ trợ được gần 14 vạn người (chính xác là 138.869 người) di tản trong mấy tuần ngắn ngủi, bằng Chiến dịch Không vận Trẻ em, các chiến dịch di tản đường hàng không trước đó, và Chiến dịch Gió Lốc của Mỹ, cộng với những người đi theo máy bay Không quân và đoàn tàu Hải quân và dân sự VNCH. Trong đó, “1 nửa cần đi đã không đi được, còn 1 nửa trong số đã đi lại không cần đi” - theo lời một nghị sỹ Mỹ. “Cả 1 làng chài đã tranh thủ lên được các chuyến tàu”.

Dẫu sao thì đó cũng chỉ là một góc của Sài Gòn. Còn lại, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Ngay trong cái đêm tháo chạy của người Mỹ, đèn đường vẫn sáng, đèn giao thông vẫn hoạt động, và bạn vẫn có thể đến nhà hàng dùng bữa kèm một chai rượu vang ngon lành. Sáng ngày hôm sau, nhiều người đổ ra đường, xem và vẫy chào đoàn quân giải phóng.

»Tài liệu tham khảo

Loạt bài "4 bức ảnh":

1. [1963] Hòa thượng tự thiêu và kết cục bi thảm của Ngô Đình Diệm
2. [1968] Hành quyết tại Sài Gòn - 1 bức ảnh 2 số phận
3. [1972] Em bé Napalm - ngày ấy bây giờ
4. [1975] Chiến dịch Gió lốc: Cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Sài Gòn