Ngày nay hầu như ai cũng biết bộ não được chia thành 2 nửa đối xứng có cấu tạo gần tương tự nhau. Não trái điều khiển phần cơ thể bên phải và não phải điều khiển phần còn lại. Có một điều khó lý giải là tại sao lại cần chia đôi? Do đâu mà quá trình tiến hóa lại chọn lọc điều có vẻ như dư thừa và lãng phí như vậy?
Tay của người lạ
Mọi sự bắt đầu từ công trình nghiên cứu đã đem lại cho tiến sỹ Roger Sperry giải Nobel y học năm 1981. Trước đó người ta chưa biết gì nhiều về não trái và não phải.
Ở người bình thường, hai bán cầu não tách biệt và được kết nối với nhau thông qua một búi sợi thần kinh gọi là thể chai (xem hình). Tuy nhiên, một số bệnh nhân động kinh nặng phải thực hiện phẫu thuật cắt đứt cây cầu nối này nhằm ngăn chặn sự lây lan của cơn động kinh. Những người này được gọi là "não bị chia cắt" (split brain) - hai bán cầu não của họ bị cắt đứt liên lạc với nhau. Trong suốt thập niên 60, Roger Sperry cùng học trò là Michael Gazzaniga đã tiến hành nghiên cứu trên những bệnh nhân này và khám phá rất nhiều điều thú vị.
Sau khi não bị chia cắt, các bệnh nhân có biểu hiện hoàn toàn bình thường, và không gặp trở ngại gì trong sinh hoạt. Thế nhưng, khi tìm hiểu kỹ hơn, có một số người thỉnh thoảng xuất hiện vài biểu hiện lạ. Đầu tiên phải kể đến hội chứng tay người ngoài - khi đó một tay hành động không theo ý muốn của người bệnh - cứ như thể có ai khác đang điểu khiển. Chẳng hạn, buổi sáng, người bệnh quyết định chọn 1 bộ quần áo, nhưng khi tay phải đưa ra để lấy thì tay trái đột nhiên cũng giơ lên chọn một bộ khác hẳn. Trường hợp khác: tay phải đưa ra định ôm vợ thì tay trái lại bất ngờ tặng cô ta cái bạt tai!
Chúng ta đã biết rằng não trái điều khiển tay phải còn não phải điều khiển tay trái, vì thế hội chứng này có thể được lý giải là do mỗi bán cầu đã quyết định 1 kiểu. Điều đáng chú ý là người bệnh chỉ cảm nhận được chủ ý của một bán cầu, tức là hoàn toàn không "ý thức" được tại sao cái bán cầu kia lại làm vậy. Thế thì, nếu giả sử người bệnh không bị chia cắt não thì bán cầu chiếm ưu thế sẽ ép buộc bán cầu kia "im lặng" và tuân thủ chăng? Khi đó chúng ta sẽ hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của quyết định từ bán cầu lép vế!? Nói cách khác là có một con người khác bị cầm tù trong chính bạn mà bạn không hay?
Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành trên những người bị chia cắt não để tìm hiểu về điều lý thú này. Người ta sử dụng 1 loại kính đặc biệt để nháy hình ảnh vào 1 mắt (trái hoặc phải) và chỉ để mắt đó thấy. Khi đó, thông tin chỉ được truyền về 1 bán cầu (hình ảnh ở mắt phải truyền về bán cầu trái và ngược lại). Trong một thử nghiệm, mắt phải được xem 1 bông hoa còn mắt trái xem hình 1 con thỏ. Khi được hỏi, người bệnh nói chỉ nhìn thấy bông hoa và khẳng định không nhìn thấy con thỏ!
Tuy nhiên, khi người bệnh được yêu cầu dùng tay để chọn các hình ảnh liên quan thì tay phải chọn bông hoa còn tay trái, lạ thay, lại chỉ vào hình ảnh con thỏ!
Như vậy, não phải hoàn toàn nhìn thấy con thỏ, nhưng nó không nói ra được. Trung tâm điều khiển việc nói thuộc quyền kiểm soát của não trái.
Những thử nghiệm như vậy lặp lại nhiều lần khác và cho kết quả tương tự. Chẳng hạn khi được hỏi về nghề nghiệp tương lai, não trái muốn là nhà thiết kế còn não phải lại chọn trở thành tay đua xe máy. Hoặc não trái nói mình vô thần còn não phải thì theo tôn giáo. Cứ như là có 2 tâm trí cùng tồn tại trong 1 cái đầu.
Vậy thì làm sao ở người bình thường chúng ta lại suy nghĩ và hành động như chỉ có 1 tâm trí thống nhất? Sao hai tâm trí không đấu đá nhau, chúng thỏa hiệp với nhau như thế nào? Đây luôn là câu hỏi dằn vặt Gazzaniga.
Một lần, ông cho mắt phải người bệnh xem cái chân gà, còn mắt trái xem một khung cảnh đầy tuyết. Trên mặt bàn là là một xấp hình ảnh, trong đó có hình con gà và hình cái xẻng. Dĩ nhiên là con gà đi với cái chân gà, còn cái xẻng thì để xúc tuyết - người bệnh chọn đúng không chút đắn đo. Tuy nhiên, bởi vì mắt phải chỉ nhìn thấy cái chân gà mà không nhìn thấy tuyết nên nó sẽ không hiểu vì sao mà cái tay kia lại chọn xẻng. Gazzaniga bèn hỏi bệnh nhận vì sao lại chọn cái xẻng. Và câu trả lời của bệnh nhân làm ông sửng sốt. Thay vì thú nhận không biết, bệnh nhân trả lời "chuyện dễ hiểu thôi mà - cái xẻng là để dọn chuồng gà."!
Thì ra não trái luôn bịa ra những câu chuyện để hợp lý hóa sự việc. Do xu hướng "điền vào chỗ trống" này mà Gazzaniga gọi não trái là kẻ lý giải. Các nghiên cứu sau đó cho thấy xu hướng này không chỉ thấy ở người chia cắt não mà nó xảy ra hàng ngày với tất cả mọi người.
Khả năng "lý giải" này là rất cần thiết vì nó tạo cảm giác "tôi đang làm chủ". Tuy nhiên, nó cũng là nguồn cơn của khả năng ngụy biện và tự lừa dối vô biên của con người. Một ví dụ đơn giản là bạn sợ mập nhưng thèm quá nên ăn 1 thỏi sô-cô-la. Khi đó, để giảm cảm giác tội lỗi bạn sẽ lý giải là "ăn có 1 cái nên cũng không sao" hoặc "đã vất vả cả tuần rồi nên có thể tự thưởng cho mình 1 chút".
Từ các kết quả trên, Sperry, Gazzaniga và các cộng sự đã đi đến một số kết luận:
- Các chức năng của não không nằm cân xứng giữa hai bán cầu. Chẳng hạn, việc điều khiển giọng nói thông thường nằm ở nửa bên trái.
- Não trái và não phải có thể phân tích thông tin và đưa ra các quyết định riêng một cách độc lập
- Có vẻ như "ý thức" nằm ở một bán cầu. Khi bị chia cắt, nó không biết đến quyết định của bên kia.
- Cái bán cầu "có ý thức" đó có có xu hướng "lý giải" lại các điểm xung đột để mọi thứ trở nên hợp lý và có vẻ nhất quán.
Nỗi oan của não
Các kết quả nghiên cứu thú vị về các bệnh nhân chia cắt não gây được tiếng vang lớn và tạo ra nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Nhiều giả thuyết và mô hình được xây dựng để giải thích và phát triển các ý tưởng này. Cùng với đó, hàng loạt sách kinh doanh, sách kỹ năng và các bài báo ra đời, trong đó các tác giả dùng những "chứng cứ khoa học đột phá" về não trái-não phải để hấp dẫn số đông công chúng. Kết quả là đã hình thành một quan niệm phổ biến, có thể tóm tắt như sau. (xem infographics)
- Não trái và não phải có đặc tính riêng. Não trái thiên về logic, phân tích, và có xu hướng chú tâm đến các chi tiết. Não phải là các nghệ sỹ giỏi sáng tạo, tưởng tượng, và có cái nhìn tổng thể.
- Mỗi người đều có một nửa bán cầu chiếm ưu thế. Bằng các bài kiểm tra có thể biết được mình là "người não trái" hay "người não phải".
- Khi đã biết mình thuộc loại nào rồi thì có thể dùng các bài tập để phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Đặc biệt là các bài tập để phát huy tiềm năng não phải.
Những suy luận này đã đẩy mọi thứ đi xa khỏi những phát hiện khoa học ban đầu. Ngày nay, các công nghệ chụp não hiện đại cho thấy trong hầu như mọi hoạt động, dù là phân tích hay tưởng tượng, cả 2 bán cầu đều hoạt động ở mức tương đương nhau.[1] Đúng là có sự chuyên biệt hóa một số chức năng cụ thể (như ngôn ngữ thường nằm ở bán cầu trái còn nhận diện thì ở bên phải), nhưng để hoàn thành 1 nhiệm vụ gì đó chúng ta đều phải huy động và phối hợp cả 2 bán cầu. Ví dụ khi nói, não trái lo về từ vựng và ngữ pháp còn não phải chịu trách nhiệm về ngữ điệu. Sự phân công lao động này giúp não hoạt động hiệu quả hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là có một bán cầu "quan trọng" hay nổi trội hơn.
Dĩ nhiên là việc trắc nghiệm và chia mọi người thành 2 loại tính cách "logic hoặc sáng tạo" chả có vấn đề gì cả. Nó cũng giống các bài kiểm tra IQ, EQ hay các bài trắc nghiệm tâm lý khác mà thôi. Và các bài tập đưa ra nhằm giúp phát huy sự sáng tạo cũng ổn thôi. Chỉ có điều đừng gắn nó với chuyện não trái não phải hay các cơ sở khoa học thần kinh khác khi mà chưa có đủ bằng chứng. Người giỏi lý luận hay sáng tạo đều sử dụng cả 2 bán cầu như nhau.
Trong tôi có ít "tôi" hơn tôi tưởng
Vẫn còn nhiều câu hỏi. Chẳng hạn tại sao trong các thử nghiệm chỉ một bán cầu tỏ ra "có ý thức" (ý thức trong phạm vi bài này hiểu theo nghĩa là cảm giác làm chủ và nhận biết được suy nghĩ và hành động của chính mình)? Khi đặt ra câu hỏi này chúng ta đang coi "ý thức" có vai trò trung tâm và chủ động trong các quyết định. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 1 điều có vẻ như ngược lại: các quyết định được hình thành nhiều giây trước khi ta nhận biết được nó, thậm chí có thể dự đoán trước chính xác khoảng 59%.[2] Nói cách khác, hầu hết quyết định xảy ra một cách vô thức. Thậm chí một nghiên cứu gần đây còn còn kết luận rằng tất cả các quyết định xảy ra ở mức vô thức, và ý thức chỉ được "báo cáo" khi sự đã rồi.[3] Khi đó, việc mà ý thức có thể làm là lý giải lại cho phù hợp nếu cần. Nếu hình dung bộ não là 1 công ty, thì ý thức có lẽ giống như người phát ngôn - được cung cấp các thông tin chính, diễn đạt lại nó sao cho không mâu thuẫn với các giá trị của công ty, và phát ngôn ra bên ngoài.
Nói như vậy để thấy, ý thức cũng chỉ là một chức năng bình thường như các chức năng khác của não bộ - việc gán cho nó vai trò trung tâm có thể chỉ là ảo tưởng. Lý do phần "ý thức" thường nằm trên cùng 1 bán cầu với phần "ngôn ngữ" có lẽ là vì trong quá trình tiến hóa, chính ngôn ngữ là yếu tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ý thức (bạn chỉ nói những gì ý thức được).
Chuyện khác, tại sao cần tới 2 bán cầu? Dù có chuyên biệt hóa nhưng phần lớn chức năng giữa 2 bán cầu vẫn còn trùng lặp. Tại sao quá trình tiến hóa lại không chọn cách cấu trúc bộ não khác tối ưu hơn? Thật ra thì chả riêng gì não, rất nhiều bộ phận trên cơ thể người bao gồm 1 cặp: mắt, tai, chân, tay, lá phổi, thận, v.v. Sao bạn không hỏi vì sao những thứ đó lại có 2? Chắc không chỉ là để dự phòng, mà việc có 1 cặp giúp chúng ta sinh tồn tốt hơn (thử tưởng tượng chim có 1 cánh hay người có 1 chân thì bất tiện lắm). Vì cơ thể chia 2 như vậy nên có lẽ việc có 2 bán cầu não, mỗi bên điều khiển một nửa cơ thể, sẽ hiệu quả hơn.
Điều cuối cùng: nếu túng quẫn bạn có thể bán bớt 1 quả thận chứ đừng bán bớt 1 bán cầu đại não - bởi lẽ bạn sẽ rất đau đầu chọn xem bên nào "không thuận" để bán đi :D