Liệu có tồn tại một nền văn minh nào khác bên ngoài trái đất không, nếu có thì họ như thế nào, ở đâu, và sao chúng ta chưa liên lạc được gì với họ? Đây luôn là câu hỏi tò mò và thách thức đối với con người, và là đề tài cho nhiều tiểu thuyết và bộ phim viễn tưởng.
Trong giới hạn hiểu biết của con người ở thời điểm hiện tại, hạt quark là nhỏ nhất, vũ trụ là lớn nhất (giả sử chỉ có một vũ trụ), vận tốc ánh sáng trong chân không là nhanh nhất (theo thuyết tương đối), và điểm khởi đầu của vũ trụ và thời gian là từ vụ nổ lớn (thuyết Big Bang). Nếu ta hình dung loài người là một con đom đóm, thì những gì chúng ta biết chỉ là khoảng sáng nhỏ phát ra từ con đom đóm đó, còn đêm tối xung quanh vẫn vô hạn và mịt mùng. Ở trong bóng tối ấy, có thể có những hạt nhỏ hơn hạt quark hàng tỉ lần; có những "siêu vũ trụ" lớn đến mức đối với nó vũ trụ ta đang sống chỉ bé như một hạt cơ bản; những khái niệm như thời gian, kích thước, vận tốc, năng lượng vv có thể cần được định nghĩa lại vì chúng quá cơ bản và không dùng để đo đạc được nữa (giống như hình chiếu lên mặt phẳng của vật thể 3D - không biểu diễn được hết các khía cạnh của vật thể đó). Trên quan điểm đó, chúng ta thử tìm hiểu về sự sống trên các hành tinh khác trong vũ trụ.
Cho dù hệ mặt trời là rất lớn, chỉ riêng trong dải ngân hà chúng ta đang sống có hàng trăm tỉ mặt trời như vậy. Mà trong phần vũ trụ quan sát được có hàng trăm tỉ thiên hà. Giả sử các nền văn minh ngoài trái đất cũng có cấu tạo sinh học và sống trên các hành tinh có điều kiện gần giống trái đất (nước, khí quyển, nhiệt độ, vv) thì, theo ước đoán của các nhà khoa học, chỉ tính riêng trên dải ngân hà cũng phải có hàng trăm nghìn hành tinh có sự sống. Nhìn lại lịch sử hình thành sự sống trên trái đất, sinh vật dưới dạng đơn giản nhất bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 3,6 tỉ năm, động vật có vú cách đây 200 triệu năm, loài người cổ tách ra từ vượn 6 triệu năm trước và chỉ nói chuyện được với nhau cách đây 60 ngàn năm. Những phát minh hiện đại (điện, điện thoại cố định, TV) chỉ cách đây vài trăm năm còn điện thoại di động, máy tính và Internet thì chỉ mới gần đây. Với tốc độ phát triển theo cấp số nhân như vậy, thật khó hình dung trong vài trăm năm tới, con người còn phát minh và đưa vào sử dụng những công nghệ mang tính bước ngoặt gì nữa. Nói như thế để thấy, giả sử sự sống ở hành tinh nào khác có khởi nguồn sớm hơn chúng ta hàng tỉ năm, thì sự khác biệt của họ đối với chúng ta lớn đến mức nào. Và nếu như trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa đủ để liên lạc với họ, thì hẳn là họ cũng thừa sức liên hệ với cúng ta.
Vậy tại sao chẳng thấy ai cả? Mọi người đâu hết rồi, ai đó lên tiếng đi chứ! Sao chúng ta vẫn cô đơn trong vũ trụ này?
Câu trả lời là: chúng ta không biết. Dĩ nhiên là không một ai biết. Nhưng chúng ta có thể đưa ra các phỏng đoán, và dưới đây là một vài trong số đó.
Giả thuyết 1: Trái đất là nơi duy nhất có sự sống
Cách giải thích theo kiểu "tự sướng" này được nhiều người chấp nhận một cách tự nhiên. Thử hình dung Thượng Đế là một người đầu bếp tài ba tạo nên thế giới từ các nguyên liệu và gia vị khác nhau. Nếu chỉ thêm một chút cái này hay bớt một chút cái kia, nấu thêm 1 chút thời gian hay vặn nhỏ bớt lửa thì thế giới này đã trở nên hoàn toàn khác đến mức không thể tồn tại sự sống. Phóng xạ, điện từ, nước, khí quyển, nhiệt độ, trọng lực vv. Dường như một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, mọi thứ vừa đúng vừa đầy đủ và kéo dài đủ lâu để tạo nên sự sống trên trái đất. Như có bàn tay thiết kế tài tình của Đấng Sáng Tạo để mọi thứ trong vũ trụ được sắp đặt sao cho sự sống phát sinh trên trái đất, và chỉ trên trái đất mà thôi. Sự nảy sinh ra sinh vật từ vật chất vô tri vô giác thật là một điều thần kì khó tưởng tượng, và có thể nó chỉ xảy ra 1 lần duy nhất trên trái đất này.
Cho dù cho tới nay chúng ta vẫn chưa tìm được sự sống ở đâu khác, tôi không tin vào sự đặc biệt của trái đất như vậy. Xa xưa chúng ta từng cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ mọi thứ quay quanh chúng ta (thì quả là quan sát bầu trời thì thấy vậy), rồi ngậm ngùi nhận ra trái đất hóa ra cũng chỉ là một hành tinh bình thường trong vũ trụ. Bây giờ ta cho rằng trái đất là nơi duy nhất đủ điều kiện phát sinh sự sống, để rồi sau này có lẽ lại phải tự cười vì sự ngây thơ này. Nếu những điều kiện trên trái đất vừa đúng để hình thành sự sống, thì điều kiện ở một hành tinh xa xôi nào đó cũng "vừa đúng" để hình thành một "nền văn minh" khác, theo một kiểu nào đó, thậm chí không phải là xuất phát từ sinh học (ngay như máy tính ngày càng thông mình hơn mà có phải là sinh vật đâu).
Giả thuyết 2: Chưa có nền văn minh nào đủ trình độ liên lạc với nhau
Giả sử sự sống phát sinh trên các hành tinh khác, thì họ sẽ cũng chẳng thể liên lạc với chúng ta nếu trình độ phát triển của họ đang dừng ở mức loài khỉ hoặc thậm chí mức ngang ngửa loài người. Cho dù sự phát sinh ra sinh vật từ vật chất vô tri là vô cùng kì diệu thì việc từ những sinh vật đơn giản nhất phát triển lên đến con người như ngày nay cũng trải qua rất nhiều lần biến đổi kì diệu khác mà không dễ dàng gì sự sống trên các hành tinh khác vượt qua được. Từ đơn bào lên đa bào, từ thực vật lên động vật, từ dưới nước lên cạn, mỗi quá trình như vậy kéo dài có thể hàng tỉ năm và thời khắc thay đổi đều là những sự kiện có một không hai. Ngay như sự phát sinh ra con người thông minh cũng có một không hai (thử nghĩ mà xem, các loài chó khỉ vượn gấu cá heo cũng thông mình gần gần nhau đấy chứ, sao không tồn tại loài nào thông minh gần gần con người trên trái đất?). Nhìn vào quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, không phải loài nào thông minh nhất sẽ tồn tại, mà là loài thích nghi tốt nhất với các thay đổi về môi trường. Vậy thì khả năng là có rất nhiều hành tinh khác có sự sống nhưng đang ở dạng sơ khai là hoàn toàn có thể?
Nhìn ở góc độ khác, do những phát triển về khoa học kỹ thuật và kinh tế mà con người ngày nay đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có trước đây. Chiến tranh hạt nhân, hóa học, virus và bệnh tật nguy hiểm, biến đổi khí hậu, khả năng tương lai robot thông minh hơn và điều khiển con người v.v. đều là những nguy cơ lớn. Dường như con người đang tự đưa mình vào một chu trình hủy diệt không thể đảo ngược với gia tốc ngày càng nhanh. Điều này dẫn đến liên tưởng: các nền văn minh đã có đều tự hủy diệt mình trước khi tiến tới giai đoạn có thể liên lạc được với nhau. Biết đâu chỉ mấy trăm năm sau con người tuyệt diệt do các vấn đề về môi trường, và thế giới chỉ còn các loài sinh vật cấp thấp, và chúng lại bắt đầu quá trình tiến hóa dằng dặc hàng tỉ năm.
Tuy nhiên, cách lý giải này vẫn đặt con người vào vị trí quá đặc biệt, hoặc đưa ra các giới hạn đặc biệt. Vì thế, nó không thuyết phục được những người không tin vào sự đặc biệt này.
Giả thuyết 3: Chúng ta không nhận biết được "họ"
"Họ" ở quanh đây nhưng chúng ta không nhận biết được.
Có thể chúng "họ" quá nhỏ, quá lớn, quá nhanh, quá chậm, tồn tại quá ngắn hoặc quá dài, vv.. Như ở đầu bài tôi có mô tả, chúng ta như chú đom đóm, những gì quan sát và chiêm nghiệm được chỉ như quầng sáng nhỏ giữa đêm tối bao la. Những gì quá nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều lần các hạt cơ bản, chúng ta không quan sát được và không biết chúng tồn tại, nhưng ở đó có thể là cả một thế giới riêng. Những gì quá lớn, đến mức chúng ta trở thành siêu nhỏ, thì chúng ta không nhận thức được toàn bộ bức tranh - giống như một con rận nhỏ bám trên một con thú quá to không biết rằng thứ mình bám vào là một con thú. Hoặc giả sử cả một nền văn minh từ lúc sinh ra đến khi diệt vong chỉ kéo dài một phần tỉ tỉ của nano giây - quá nhanh để chúng ta nhận thức được gì.
Cũng có thể chúng ta quá "nguyên thủy" còn "họ" quá cao siêu. Nếu khoảng cách giữa chúng ta với "họ" vời vợi như khoảng cách giữa khuẩn đơn bào với người, thì ta làm sao nhận biết được sự tồn tại của "họ". Nếu gần hơn, chúng ta như thực vật còn họ như người - cũng không có hy vọng gì. Gần hơn nữa, chúng ta như những sinh vật nhỏ dưới lòng đại dương - vẫn không hy vọng. Nếu chúng ta là kiến? Vẫn còn quá xa. Thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn uống nhiều beer với lũ bạn và dừng xe đi tiểu vào một tổ kiến ven đường. Liệu lũ kiến có nhận thức được là loài khác đang tè bậy vào nó? Hay đối với lũ kiến đây cũng là một "hiện tượng thời tiết", giống như con người nhận thức về các cơn mưa? Việc bạn chẳng may dẫm chết vài chú kiến chắc đối với chúng tựa như "thiên tai" - giống như như động đất đối với con người? Thật ra loài kiến thông minh hơn thế vì chúng vẫn thường cắn vào chân tôi, nhưng đây vẫn là một ví dụ dễ hình dung.
Có thể "họ" tồn tại và phát triển ở một dạng nào đó khác mà chúng ta không thể nào nhận biết bằng các giác quan đang có. Con đường phát triển không nhất thiết là sinh học, và nhận thức không nhất thiết là cái như ta đang nhận thức, vật chất không nhất thiết là cái chúng ta đang quan niệm. Trong khu vườn trăm hoa đua nở, cái thế giới mà chúng ta sinh sống và nhận thức chỉ là một bông hoa. Có thể chúng ta không tồn tại đối với "họ" cùng cái cách "họ" không tồn tại với chúng ta - ở ngoài nhận thức của nhau do bản thân khái niệm về nhận thức hoàn toàn khác. Có thể mỗi thế giới như một hình chiếu của một thế giới thực duy nhất lên một mặt phẳng theo các chiều khác nhau. Hoặc có thể tất cả đều là ảo ảnh. Có thể "họ" có thể cảm nhận thế giới nhiều chiều hơn thế giới 3 chiều mà chúng ta cảm nhận, hoặc "họ" cảm nhận không có chiều nào hay số chiều là âm. Có thể thời gian là thứ rất khác, cong vênh, và có nhiều chiều.
Hoặc là, như nỗi ám ảnh của tôi hồi bé, thế giới này chỉ là một dạng giấc mơ của cái gì đó khác "cao siêu" hơn. Và đến cái "cao siêu" đó lại là một dạng giấc mơ của cái cao siêu hơn nữa. Cứ thế, không có bắt đầu, không có kết thúc...
Cuối cùng, tôi hy vọng chúng ta không phải là các nhân vật trong một trò chơi "xây dựng thế giới" của ai đó trong thế giới khác - giống các trò chơi thực tế ảo ngày càng nhiều. Hoặc tệ hơn, là vật thí nghiệm của một thế giới khác - giống ta đưa chuột bạch vào một môi trường khác, tạo các kích thích gây ảo giác, và xem chúng sống và chống chọi thế nào.
Dẫu sao thì, như tôi đã nói, chúng ta chỉ có thể đưa ra các giả thuyết. Và do hạn chế của nhận thức con người, các giả thuyết này có thể rất ngây thơ do thực tế (nếu thực tế có tồn tại) kỳ vĩ hơn rất nhiều. Quay trở lại vấn đề gần gũi hơn: bao giờ loài người diệt vong? Còn hàng triệu hàng tỉ năm nữa, hay chỉ vài trăm năm? Tôi sẽ quay trở lại vấn đề này trong bài tới.