TÀO LAO

Phương pháp 5 Why và chuyện tôi đi xin lỗi

Thuở còn làm ở FPT Software (tức gần 2 tháng trước), cứ một vài tháng tôi lại phải đi xin lỗi. Không phải xin lỗi sếp hay đồng nghiệp. Là xin lỗi khách hàng Nhật. Có khi bị bắt sang tận Nhật để xin (xin xong lại đi nhậu say khướt ôm nhau).

I am sorry

Thôi thì đủ mọi lý do. Chương trình có lỗi sao bọn mày tìm không ra. Tài liệu làm ẩu sao bọn mày gửi sang. Xóa nhầm file, sử dụng nhầm môi trường, dùng ké tài khoản đăng nhập của nhau. Rồi sao thay người đột xuất, sao năng suất chất lượng không tăng, vân vân và vê vê, chả thiếu thể loại nào.

Khổ, bên mình làm sao mà chuyên nghiệp được như bọn tư bản giãy mãi chưa chết. Chỉ có giá rẻ + lòng nhiệt thành bù lại thôi. Được cái ưu điểm của quân mình là sợ khách hàng. Sếp bảo không nghe chứ khách hàng chửi thì cun cút làm, dù trong lòng có lèm bèm đi nữa. Cái này thì Việt Nam ăn đứt Trung Quốc. Bọn Tàu nó rắn lắm, chả sợ gì hội Nhật cả (nước tao lớn mạnh thế mà). Tiền bạc phân minh ái tình sòng phẳng, không tặc lưỡi cho qua như dân Việt mình.

Mà báo cáo giải trình thì có phải làm 1 lần là nó cho qua đâu. Cả lũ hết bàn rồi bạc ngấy ra rồi, mà bọn nó vẫn comment sửa đi sửa lại 5 lần bảy lượt, chưa ổn thì đẩy lên cấp cao. Nào là hiện tượng, rồi nguyên nhân gốc rễ, giải pháp khắc phục trước mắt, giải pháp tránh tái diễn về sau, thứ tự ưu tiên, ai chịu trách nhiệm, kiểm soát, báo cáo định kỳ. Hầm bà lằng. Rồi trong đó phải có yêu cầu khách hàng làm gì (cứ nhận hết lỗi về mình cũng không có được nha).

Về sau mới hiểu, các bạn cứ “làm ầm ĩ lên” cho đến khi các cấp quản lý của mình nhận thức đúng độ nghiêm trọng của vấn đề mới thôi. Nhận thức đúng mức độ thì action mới tương xứng được.

Tại sao, tại sao, tại sao, tại sao (đủ 5 lần chưa?)

Chữa bệnh thì dĩ nhiên không thể chữa hiện tượng ngoài da. Phải tìm nguyên nhân gốc rễ - cái mà khi chạm tới có thể xoay chuyển được tình hình. Bên Nhật rất khoái cái phương pháp gọi là 5 Why (do hãng xe Toyota phát minh) - tức là hỏi “tại sao” 5 lần cho đến khi chạm tới “điểm G”.

Why?

Ví dụ: có ông đang làm chả hiểu sao tay run rẩy, chân lảo đảo, đầu óc quay như cù.

Nếu điều trị hiện tượng thì chỉ việc kẹp tay buộc chân lại là hết lẩy bẩy. Thế là xong.

Còn nếu 5 Why thì lại lằng nhằng.

Tại sao lại run?

Là vì các bộ phận này bị thiếu chất dinh dưỡng!

Tại sao lại thiếu?

Vì máu không đưa đủ dinh dưỡng đến.

Tại sao máu lại không đưa đến?

Trong máu không có đủ dinh dưỡng.

Tại sao không có?

Là ruột không thẩm thấu dinh dưỡng vào.

Sao lại thế?

Vì ruột trống rỗng.

Hừ mất kiên nhẫn quá!!!

Vì sao trống rỗng?

Vì dạ dày không đẩy thức ăn xuống.

Vì sao không?

OK, OK, thôi nhảy đến đích luôn. Tóm lại là TỪ SÁNG ĐẾN GIỜ CHƯA ĂN GÌ :D.

Nếu cứ hỏi từng ly từng tí như trên thì 5 Why chứ 10 Why cũng chưa đến gốc, nhưng nhảy cóc qua những cái hiển nhiên thì 5 Why là thừa (các bạn nhà ta toàn 2~3 why là chịu cứng rồi không đi được nữa).

Thế thì giải pháp? Dĩ nhiên là đi nhét cái gì vào bụng.

Nhưng mà làm sao khắc phục lâu dài? Khó nhỉ, có vẻ vẫn chưa phân tích đến nguyên nhân gốc rồi!

Tiếp! Vì sao chưa ăn? Do ham làm việc quên cả ăn! Vì sao ham? Tính em nó thế! Chịu rồi, làm sao sửa “tính” đây. Non sông dễ đổi chác, bản tính khó di dời. Ngõ cụt.

Đây chính là cái mà lần nào phân tích cũng gặp phải. Phân tích 1 hồi cuối cùng toàn ra: do dev kỹ năng kém lẫn ý thức tệ (không có lỗi của quản lý nha). Hết cách.

Hồi lâu các bạn Nhật chỉ bảo rồi cũng học được. Là đừng xoáy vào con người mà vào cách làm. Thế là từ đó chả thấy do “kỹ năng yếu” hay “ý thức tồi” nữa. Toàn do chuẩn bị chưa tốt, thiếu đào tạo trước khi làm, thiếu hướng dẫn trao đổi trong khi làm, thiếu review, không có hệ thống cảnh báo sớm, v.v. Còn nếu đúng là “ngu không đào tạo được” thật thì cần xem lại quy trình tuyển dụng.

Quay lại cái bạn run tay kia, túm lại làm thế nào? Thôi bạn đọc tự nghĩ :P

Một sai lầm hay gặp nữa khi phân tích 5 Why là: mặc định xừ nó từ trước trong đầu nguyên nhân và giải pháp là gì rồi. Đến lúc phân tích kiểu gì cũng lái đến cái đích đó. Để khắc phục chỉ có cách đuổi mấy ông chuyên gia “biết tuốt” ra khỏi phòng. Đừng bao giờ tin chuyên gia chém nếu bạn có thể đo đạc tính toán cụ thể. Kinh nghiệm đôi khi là 1 điểm trừ.

Thế đấy. Bây giờ các bác thử dùng phương pháp 5 Why này để phân tích 1 vấn đề trong cuộc sống xem sao (to lớn hay vụn vặt đều được). Biết đâu nhờ đó “cuộc đời nở hoa” :D.

Mà nói thật, xin lỗi, thề, hứa, đảm bảo, rồi chả mấy lại tái phạm. Lúc còn lông lỗ, còn nhiều “không gian”, thì cải thiện dễ lắm. Hòm hòm được tí thì bắt đầu muốn cải thiện cái này thì phải hy sinh cái kia, giống như bạn muốn vợ đẹp thì phải chịu thằng khác nhìn ngó thèm thuồng. Thế là dở dở ương ương rồi không xử lý triệt để, rồi lại xin lỗi. Thôi thì biết làm sao, đành đợi nước lên rồi thuyền lên :(

P/S: là em kể chuyện xin lỗi của em, chả liên quan gì đến việc xin lỗi của Formosa đâu nhé, các bác đừng suy diễn.

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.