TÀO LAO

No bể bụng hay làm thế nào để ăn kỳ CHẾT mới thôi

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi công tác ở Nhật là vào tháng 12 năm 2005. Khi đó tôi được thu xếp ở tại kí túc xá dành cho nam của Hitachi Software, nằm dưới chân một quả đồi nhỏ, cách Yokohama (nơi tổ chức trận chung kết World Cup 2002) ba mươi phút đi tàu. Khung cảnh yên bình. Rất nhiều quạ. Có con đường nhựa vòng quanh nhưng mỗi khi đi làm tôi thường đi tắt theo con đường mòn qua đồi. Thỉnh thoảng gặp các bạn nữ sinh cấp 3, trong đồng phục giống thủy thủ mặt trăng, đùi khá to và săn chắc có lẽ do đi bộ nhiều.

Ấn tượng về khu kí túc xá này, ngoài ông bà chủ dễ mến, là việc tắm bồn nước nóng chung, gọi là ofuro. Ban đầu tôi còn ngại, vì chưa quen tắm khỏa thân trước mặt người lạ, nên cứ cầm theo cái khăn tắm che che đậy đậy. Lại nữa, lần đầu vào, trườn ngay xuống bồn, chả hiểu sao các bạn đang dưới đó mò lên sạch. Sau mới hiểu phải ra vòi hoa sen kì cọ cho nó “tinh khiết” cái đã mới được “lâm bồn”. Hic, thủ tục lằng nhằng vãi. Ngày nhỏ toàn cởi truồng nhảy ùm xuống sông, bài tiết cả dưới đó có sao đâu. May mà ở đây người ta toàn nhầm người Việt là người Trung Quốc, nên nếu nó có chửi thầm “mẹ cái thằng Tàu mọi rợ” thì vẫn yên tâm không làm “nhục quốc thể”, không lo sẽ bị mấy chiến sỹ yêu nước thương nòi trên mạng rủa.

Ti-vi miễn phí bên Nhật chán phẻo chán pheo, có 12 kênh, toàn chiếu mấy món ăn với lại các trò chơi truyền hình kiểu đông người, người này nói lại người kia nói. Chả biết nói gì mà cứ xong một câu cả đám lại cười. Cười gì mà cười lắm thế không biết. Suốt 2 tháng trời chả chịu chiếu phim nào mát mẻ tí để xua bớt đi nỗi cô đơn lạnh giá trong lòng chàng trai trẻ xa nhà.

Ảnh tôi
Tác giả đi thăm cái công viên gì đó không nhớ tên - hồi đó mượn áo vest của bố nên có hơi rộng tí

Chỉ duy nhất một show truyền hình mà tôi thấy thú vị. Đó là một cuộc thi ăn! Các thí sinh đi hết địa phương này đến địa phương khác, mỗi địa phương có gì đặc sản thì lôi ra ăn như mưa rào mùa hạ, ai ăn được ít nhất thì bị loại. Cứ thế loại dần cho đến khi tìm ra nhà vô địch. Đến ngôi làng chuyên làm mỳ sợi, mỗi ông đánh vài chục bát sạch veo trong vòng có hơn chục phút. Đến nơi có cá sống ngon, các ông chén liên tằng tằng hết đĩa này đến đĩa kia, xếp chồng đĩa cao ngang đầu người. Có nơi trồng gạo ngon, mỗi ông xơi dăm chục bát cơm. Cứ thế. Nào thì xúc xích. Lại đến bánh dẻo. Rồi mực chín mực sống. Thật kinh hãi!

Nhớ lại hồi cấp 3 có đọc chuyện “Một bữa no” của Nam Cao. Bà lão nghèo đói lâu ngày được đãi một bữa, ăn nhiều quá tắc ruột mà chết. Chuyện này chắc lão nhà văn Nam Cao bịa ra, nhưng một câu chuyện thật tương tự đã được ghi nhận tại Mỹ. Theo Weekly World News ghi lại, năm 1994, nữ người mẫu 19 tuổi Anne-Marie Boules, sau 4 năm kiên trì chỉ ăn rau quả trái cây để giữ dáng, một hôm chán nản vì áp lực đã lên cơn ăn liên tục trong gần 5 giờ. Dạ dày cô bị bục và tử vong 20 phút sau đó. Khám nghiệm tử thi cho thấy cô đã cho vào bụng cả thảy 9 cân thức ăn, bao gồm nguyên một con gà rán, 2 suất bò nướng cỡ lớn, một ổ bánh mỳ, gần 4 lít kem, bắp cải, khoai tây, bánh quy và… một chai rượu vang. Tất cả đều hầu như không được nhai kỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoàn toàn không dễ dàng gì ăn đến chết được như vậy, ngay cả khi bạn có muốn đi chăng nữa. Khi đã ăn uống đủ, cơ quan thụ cảm về sức căng ở thành dạ dày sẽ báo cáo về não. Chúng ta sẽ cảm thấy no và đa số sẽ dừng đũa.

Trong một số trường hợp còn ăn tiếp, ví dụ thức ăn ngon quá hoặc nể người nấu chẳng hạn, van dạ dày sẽ thực hiện thả lỏng để xì bớt hơi và chúng ta bắt đầu ợ hơi. Lúc này, đa số chúng ta sẽ xoa bụng và dừng đũa.

Nhược bằng cứ cố nhét đồ ăn thức uống vào nữa, bạn sẽ bắt đầu căng bụng đến mức khó chịu, buồn nôn. Khi đến ngưỡng, cơ thể sẽ được báo động, tự kích hoạt việc trào thức ăn ra theo chính con đường nó được đưa vào, bất chấp bạn có muốn hay không (việc này cũng giống như khi bạn uống quá nhiều bia rượu, việc nôn mửa ra là không thể cưỡng lại). Bằng cách đó, khối lượng thức ăn trong dạ dày sẽ luôn được chặn lại trước khi đến ngưỡng nguy hiểm.

Thế nhưng, dù rất hiếm hoi, thi thoảng những trường hợp “no bể bụng” cũng được y học ghi nhận. Đó là những trường hợp hệ thống an toàn của dạ dày đã không làm tròn trách nhiệm. Một trong những trường hợp là dạ dày có vấn đề (các vết loét chẳng hạn) hoặc khi cơ thể đang trong trạng thái mê man bất tỉnh.

Năm 1929, tạp chí Annals of Surgery xem xét lại 14 trường hợp bục dạ dày một cách “tự nhiên” (tức là không phải do có sẵn bệnh về dạ dày hoặc bị dùng các dụng cụ để ép tống thức ăn xuống). Người ta nhận thấy, trong nhiều trường hợp, thứ cuối cùng mà các nạn nhân đưa vào dạ dày là baking soda (natri bicarbonate). Loại bột sủi này ngoài công dụng nấu nướng hay làm đẹp còn được sử dụng để giảm cảm giác khó chịu vì nó trung hòa a-xít trong dạ dày. Thế nhưng, quá trình trung hòa đó sản sinh ra nhiều khí CO2 và làm căng phình dạ dày.

Các trường hợp bục dạ dày cũng xảy ra nhiều hơn ở các những người có rối loạn về ăn uống. Chẳng hạn những người mắc chứng cuồng ăn, những người ăn uống kham khổ lâu ngày do nghèo đói hoặc ăn kiêng ngặt nghèo, rồi một hôm ăn nhiều và nhanh bất thường. Giống như chiếc lò xo, nếu ta thường xuyên co giãn nó quá mức, dần sức đàn hồi sẽ giảm. Đến một ngày, lượng thức ăn quá lớn và cái dạ dày ốm yếu không còn đủ sức tống ngược ra nữa.

Có một trường hợp cuồng ăn khá li kì, được đăng trên tờ American Journal of Forensic Medicine and Pathology. Một cô gái ở Florida được đưa khẩn cấp đến bệnh viện do dạ dày đau vì chứa hàng đống thức ăn trong bụng. Sau khi được các bác sỹ giúp tống đống hổ lốn đó ra ngoài, về nhà cô lại bắt đầu lại từ đầu! Lần này thì không ai kịp đưa cô đến bệnh viện nữa. Cô gái được phát hiện chết trong nhà bếp trên hàng đống thức ăn. Tuy nhiên, dạ dày cô không bị bục, mà do nó đã phồng to quá mức chèn ép vào phổi gây tắc thở.

Dạ dày thông thường có thể chứa từ 1 lít đến 1 lít rưỡi là no. Tuy nhiên, nếu cứ ăn uống mãi thì đến tầm 5 lít nó mới bục. Để đánh giá một cách chính xác, giáo sư Algot Key-Åberg đã thử nghiệm trên 30 người đã chết (do đó, không còn phản ứng tự động tống ra). Đây là những người chết vô thừa nhận từ các bệnh viện ở Stockholme. Ông đi đến kết luận thông thường dạ dày chứa được 3~4 lít thì bắt đầu bục. Nhưng nếu đưa thức ăn vào từ từ và nhẹ nhàng thì nó có thể chịu được 6~7 lít. Thế mới thấy, các chế miền tây hay nhậu lai rai là có cơ sở khoa học đàng hoàng.

Vậy còn các tay chuyên đi thi ăn giống như trong show truyền hình kia thì sao? Chẳng có ai trong số họ bị bể bụng cả. Chuyện này cũng không có gì là lạ. Nếu ngày mai tôi ra đường chạy 42 cây số như các vận động viên marathon thì cơ thể sẽ kiệt sức và buộc tôi dừng lại giữa chừng, còn nếu vì lý do nào đó vẫn lết về đích (doping chẳng hạn) thì khả năng chết không phải là thấp. Các thành tích đỉnh cao, ngoài việc cần có năng khiếu bẩm sinh, phải có chế độ tập luyện chuyên nghiệp và kiên trì.

Nhưng mà, rốt cuộc thì, dạ dày của các “thánh ăn” kia không bao giờ tống ra sao? Erik Denmark, một tay ăn chuyên nghiệp đứng số 7 của Mỹ cho biết là . Anh kể thêm “nghe thì có vẻ tởm, nhưng mà bạn… nuốt nó xuống và tiếp tục ăn thôi. Trọng tài chỉ tính phạm quy khi bạn phun ra ngoài thôi”. Ọe ọe..

=_-

Lần đi công tác Nhật năm đó, tôi mang theo mấy chai rượu Lúa mới, định bụng làm quà hoặc không thì uống dần. Đến sắp về vẫn còn thừa 1 chai bèn mang xuống tặng ông bà quản lý ký túc xá. Bên Nhật mà tặng rượu là quý hóa lắm, lại đem từ Việt Nam sang nữa. Hôm sau tôi về thì 2 ông bà tặng tôi mấy đôi tất. Đó cũng là lần duy nhất ở ký túc xá của khách hàng, vì sau đó công ty thành lập chi nhánh bên Nhật và luôn tự thuê nhà cho nhân viên từ Việt Nam sang.

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.