Giai đoạn trước 1975, các bức hình ám ảnh về chiến tranh ở Việt Nam liên tục được truyền đi và gây rúng động toàn thế giới. Hãy cùng xem lại 4 bức ảnh mang tính biểu tượng nhất, mang trong mình những câu chuyện lịch sử không thể nào quên.
- Ảnh 1: Hòa thượng tự thiêu - 1963
- Ảnh 2: Hành quyết tại Sài Gòn - 1968
- Ảnh 3: Em bé Napalm - 1972
- Ảnh 4: Tháo chạy khỏi Sài Gòn - 1975
Ảnh 1: Hòa thượng tự thiêu - 1963
Không bức hình báo chí nào trong lịch sử lại tạo ra nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như thếTổng thống Mỹ John F. Kennedy
- Người chụp: Malcolm Browne (hãng thông tấn AP)
- Thời gian: 11/6/1963
- Địa điểm: Trước Đại sứ quán Campuchia tại Sài Gòn
- Bối cảnh: Cuộc khủng hoảng Phật giáo thời Ngô Đình Diệm
Trong một đất nước mà đa số người dân theo đạo Phật, tổng thống Ngô Đình Diệm lại thi hành một chính sách thiên vị Công giáo và kì thị Phật giáo. Sự dồn nén cuối cùng cũng bùng phát vào ngày lễ Phật đản năm 1963 ở Huế. Bức xúc với lệnh cấm treo cờ Phật giáo vài ngày trước đó, giới Phật tử tổ chức các cuộc diễu hành và biểu tình. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào buổi tối, khi ai đó nổ súng vào đám đông Phật tử tụ tập tại đài phát thanh làm chết 8 người, chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Phật giáo vô tiền khoáng hậu tại miền Nam.
Sau đó hơn 1 tháng, một hôm cánh phóng viên Mỹ được mớm rằng có "chuyện gì đó quan trọng" sẽ xảy ra sáng hôm sau trước tòa Đại sứ Campuchia tại Sài Gòn. Tuy nhiên, không có nhiều người lưu tâm vì thế rất ít nhà báo có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, ngày 11/6/1963, một đoàn diễu hành gồm khoảng 350 tăng ni xuất phát từ một ngôi chùa, dương cao các biểu ngữ yêu cầu chấm dứt kì thị Phật giáo. Tới ngã tư trước tòa Đại sứ (nay là ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám), đoàn người dừng lại, xếp thành vòng tròn nhiều lớp. Hòa thượng Thích Quảng Đức bước ra khỏi chiếc xe Austin màu xanh cùng 2 nhà sư trẻ. Một trong số họ trải tấm nệm ra mặt đường vào giữa vòng tròn, người còn lại lấy can xăng từ trong xe ra. Hòa thượng ngồi xuống theo tư thế kiết già điềm nhiên trên tấm nệm. Nhà sư trẻ trút can xăng lên đầu và cơ thể ông. Đám đông phía sau có người xô đẩy nhưng bị cản lại. Hòa thượng bắt đầu niệm phật, tay lần tràng hạt. Lửa được châm và ngay lập tức bùng lên ngùn ngụt bao phủ hoàn toàn thân thể nhà sư. Cả những người xô đẩy và người cản đều ngừng lại lặng nhìn. Giây phút trĩu nặng.
Ai châm lửa? Theo chính tác giả bức ảnh kể trên tờ Time thì hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự tay bật diêm châm lửa. Hình ảnh video đen trắng trên Youtube, dù hơi mờ, thì lại cho thấy có vẻ như lửa được người khác châm từ xa, cháy dọc theo vết xăng, và bùng lên khi vừa chạm đến nhà sư. Tuy nhiên, clip này chưa được xác thực.
Ngọn lửa phun ra từ một con người; thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu của ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người; con người cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Từ phía sau tôi có thể nghe tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để cả suy nghĩ... Khi cháy, ông ấy không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than xung quanh.David Halberstam, phóng viên có mặt tại hiện trường, viết trên tờ New York Times
Do lo sợ lễ tang nhà sư sẽ là một màn diễu hành lớn nên chính quyền tìm mọi cách trì hoãn. Vì thế, phải một tuần sau đó, thi thể hòa thượng mới được đưa đi hỏa táng. Điều đáng nói là sau khi thiêu, trong đống tro tàn vẫn còn lại 1 khối rắn chắc (xá lợi) được cho là trái tim của ngài. Vì điều này, ông được suy tôn thành Bồ tát, và khiến cho vụ tự thiêu càng trở nên linh thiêng. Trái tim bất diệt ấy sau vài lần đốt đi đốt lại còn lại to hơn hạt mít một chút, màu nâu đen, hiện đang được gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (theo lời kể của hòa thượng Thích Giác Toàn, dù khi gửi ông cũng chỉ nhìn thấy hộp bên ngoài chứ chưa tận mắt nhìn thấy trái tim bên trong).
Sau vụ tự thiêu, chính quyền đã gần như ngay lập tức đồng ý đáp ứng về cơ bản 5 yêu cầu của Phật giáo và 2 bên cùng đưa ra bản thông cáo chung. Nhưng điều này chẳng được dư luận chú ý như nó đáng phải có, vì khi đó truyền thông chỉ tập trung vào cái không khí rầm rập về tình hình diễn biến liên quan đến lễ tang. Lẽ ra người ta nên để lễ tang diễn ra sớm, sau đó công bố thỏa thuận sau thì hơn. Trong thời gian sau đó, những nghi kỵ ngờ vực lẫn nhau giữa các bên, cộng với sự thiếu nhất quán trong nội bộ chính quyền, khiến bản thông cáo rất được kỳ vọng đó lại không được thực hiện đáng kể. Ông Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm, thì cho lực lượng cảnh sát đặc biệt liên tiếp trấn áp đập phá các chùa chiền, bắt bớ "bọn tăng ni làm loạn". Vợ ông, bà Trần Lệ Xuân, vẫn không ngừng đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát biểu ngoa ngoắt và thách thức, không ngần ngại gọi các vụ tự thiêu là những "màn nướng sư" và sẽ "rất vui lòng cung cấp xăng". Thêm những lần tự thiêu và tự chặt tay. Liên tục những cuộc biểu tình và tuyệt thực của các tăng ni Phật tử và những người ủng hộ phong trào. Người Mỹ bắt đầu mất kiên nhẫn. Họ yêu cầu tổng thống Diệm loại bỏ ngay vợ chồng ông bà Nhu khỏi sân khấu chính trị, nhưng không được đáp ứng.
Rồi chuyện gì đến cũng đến. Ngày 1/11/1963, gần 6 tháng kể từ ngày cuộc khủng hoảng bắt đầu, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra với sự bật đèn xanh từ phía Mỹ. Anh em họ Ngô bị bắt và giết chết một cách dã man một ngày sau đó, bất chấp việc trước đó hội đồng tướng lĩnh đã tuyên bố sẽ cho họ ra nước ngoài sống lưu vong. Người em út, "lãnh chúa miền trung" Ngô Đình Cẩn cũng bị bắt và xử tử không lâu sau đó. Bà Nhu đang công cán tại Mỹ vào thời gian diễn ra cuộc đảo chính, sau này sống lưu vong tại Pháp cho đến khi qua đời vào năm 2011.
Nhìn lại sự việc, có lẽ vợ chồng Ngô Đình Nhu đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và say mê đến mức không biết điểm dừng. Nhu cũng đã biết về âm mưu đảo chính, nhưng lại không nắm được những ai đứng đằng sau. Vì vậy, ông đã ra tay đạo diễn một cuộc "đảo chính giả" để bẫy đối phương, thậm chí còn được cho là bao gồm cả việc ám sát Đại sứ Mỹ, song lại sai lầm khi tin tưởng sử dụng một vị tướng 2 mang. Khi cuộc đảo-chính-thực xảy ra, ban đầu ông Nhu còn tưởng đó chính là cuộc đảo chính giả của mình! Về phần mình, tổng thống Diệm trên thực tế có lẽ cũng có thiện chí hòa giải. Người ta kể ông đã sốc và trở nên lầm lì một cách bất thường từ ngày vụ tự thiêu xảy ra, lẩm bẩm "việc gì rồi thu xếp, có gì mà phải làm như vậy". Tuy vậy, ông đã đã quá lưỡng lự, không rõ chính kiến, để mặc ông bà Nhu hành hoành.
Malcolm Browne là phóng viên nước ngoài duy nhất chụp được các bức ảnh về vụ tự thiêu. Ray Herndon, phóng viên của hãng thông tấn UPI đối thủ truyền kiếp của AP, đã quên mang theo máy ảnh hôm đó và vì thế bị lãnh đạo quở trách nặng lời. Bức ảnh hòa thượng tự thiêu đã đem lại cho Malcolm Browne giải "ảnh báo chí của năm". Tuy nhiên giải Pulitzer danh giá năm đó lại rơi vào tay một bức ảnh liên quan đến vụ ám sát tổng thống Mỹ John F. Kennedy, diễn ra đúng 20 ngày sau cái chết của Ngô tổng thống. Quả là một năm hãi hùng của các vị tổng thống!
Năm sau thì Malcolm Browne rốt cục cũng đạt giải Pulitzer cùng nhà báo David Halberstam của tờ New York Times, nhưng không phải cho các bức ảnh, mà cho các bài phóng sự về Việt Nam của 2 ông. Malcolm Browne mất năm 2012 ở tuổi 81.
Hình đầu đề của bài viết là một bức ảnh khác theo mô-típ tương tự bức "O du kích nhỏ dương cao súng - Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu". Được chụp bởi phóng viên ảnh người Đông Đức Thomas Billhardt, viên phi công Mỹ trong ảnh là Dewey Waddell bị bắn rơi máy bay năm 1967 tại miền Bắc. Bức ảnh này trông có vẻ là đã được sắp đặt để tạo hiệu ứng tuyên truyền.
Loạt bài "4 bức ảnh":
- Ảnh 1: Hòa thượng tự thiêu - 1963
- Ảnh 2: Hành quyết tại Sài Gòn - 1968
- Ảnh 3: Em bé Napalm - 1972
- Ảnh 4: Tháo chạy khỏi Sài Gòn - 1975