Bài: 123

bài trước, ta đã thấy không những các con số khuyến nghị bảo đảm cá nục an toàn, mà còn có cơ sở để tin rằng các con số này đã bao gói dôi dư cả nhiều lơ lửng ta chưa kip chất vấn.

Dù thế, một số dư luận vẫn có thể cho là “thì cứ tạo áp lực đi, cứ cấm đi, càng chặt hơn càng tốt chứ sao”. Post này sẽ chỉ ra không những đòi hỏi vậy thừa thãi và không khả thi (Bộ không thể cấm thứ mà thế giới vẫn dùng rộng rãi), mà những quyết định kiểu này còn chưa chắc khôn ngoan hay đáng gọi là no-fail choice.

1. Lo nhầm hơn bỏ sót liệu có phải không rủi ro, ít rủi ro, ít rủi ro nhất?

Rủi ro đầu tiên thấy ngay được là mấy chục tấn cá bị tiêu huỷ. Nếu cá đó không đáng huỷ mà bị huỷ thì ai sẽ là người chịu thiệt hại?

Tất nhiên không phải chúng ta, cư dân thủ đô rảnh rang tranh luận từ máy bay trên giời đến cá nục dưới biển. Cũng không phải Biên giám đốc, người mà sau những phát ngôn giật gân tuần qua, dù huỷ cá hay không huỷ cá, vẫn kịp dựng lên hình ảnh dám nói thẳng nói thật trong lòng nhân dân và kịp gom được đến mấy bài báo tâng thành anh hùng.

Chịu rủi ro sẽ chỉ là những người chủ kho cá, không biết tiêu huỷ thì nhà nước có hỗ trợ cho họ và hỗ trợ bao nhiêu, nhưng cái hệ luỵ lâu dài là chả ma nào dám mua cá từ những kho này nữa thì chắc không ai hỗ trợ nổi. Mấy chục tấn cá của họ, thứ mà đến giờ chưa có gì chứng tỏ là nguy hiểm, sẽ thành vật tế thần cho sự nhiệt tình thiếu cơ sở của ông giám đốc, đi cùng thái độ “tội gì nào mà không gây áp lực” của truyền thông.

Mà không chỉ họ. Bữa trước lúc tôi mới lơ ngơ định gúc vài từ cơ bản về cá, phenol, hoàn toàn không có chữ Việt Nam với Quảng Trị nào, thế mà ra chình ình ra ngay trang đầu toàn các tin tiếng Anh về vụ này, giọng văn thì khiến bất kỳ chú Tây nào đọc xong cũng rợn tóc gáy như đang nghe kể một thảm hoạ nhiễm xạ Fukushima thứ hai. Những bài báo sensationalist như thế sẽ tạo ra hiệu ứng như thế nào đây đối với các thị trường nhập cá của Việt Nam?

Tất nhiên không phải tôi muốn rằng “sai thì đóng cửa bảo nhau tránh người ta dị nghị”, mà mấu chốt là chưa thấy gì đáng để gọi là sai cả. Như các bài trước đã chỉ ra, chính những nhận định hùng hồn “là chất gây ung thư, rất khó thải khỏi cơ thể, nồng độ nhỏ vẫn từ từ tích luỹ gây nguy hiểm dài lâu” mới không phải sai, mà là sai to, sai toét, và sai be bét. Để rồi nhờ cái sai nhân danh lo lắng vì cộng đồng ấy, những ngư dân và ngành đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản ở Việt Nam giờ phải cảm ơn anh Biên và những nhà báo sốt sắng bao nhiêu cho xuể đây?

2. Mà có phải chỉ thiệt ngư dân?

Thật ra nói về thiệt hại người đánh bắt nuôi trồng để ra vẻ biết nghĩ cho đồng bào đặc biệt là nhân dân cần lao chút thế thôi, chứ ai dở hơi đi quan tâm ngư dân xa xôi làm gì, công nhận không? #BitchesStillWillBeBitches.

Nên giờ ta sẽ nói về rủi ro sát sườn hơn của sự lo xa với ngay các cư dân thành thị.

Một người lo xa hơi giống một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Nghĩa là nếu bạn có khả năng đi đến điểm xa nhất của sự sự lo xa, thì bạn cũng sẽ chạm vào sự hoàn hảo. Ở đây là nếu bạn có đủ thời gian, thông tin, nơ-ron rỗi căng ra để lo, và cuối cùng, là tiền để trang trải cho niềm suy tư ấy. Khi những thứ này không phải vấn đề thì thêm một nỗi lo xa không phải thêm sự bứt rứt, mà là giống như thêm một bài học để cẩn trọng. Bạn sẽ không thừa nhận đâu, song thâm tâm thì bạn muốn lo thêm càng nhiều càng ít, vì bạn đủ nguồn lực để bịt mọi sự lo lắng và mua lấy sự an tâm, cái bạn cần là thêm thông tin để bịt cho kín mọi ngả.

Nhưng rõ ràng số được như này là rất hiếm. Đa số mọi người chỉ có hữu hạn thời gian, nơron và tiền bạc. Vì thế với nhiều câu hỏi trong cuộc sống, người ta không thể mong chờ một đáp án nhị nguyên Có/Không, Trắng/Đen tuyệt đối để kiếm tìm một cái gì hoàn hảo. Bài toán ở đây là tối ưu hoá nguồn lực, nó gồm rất nhiều sự thoả hiệp, không phải cái tốt muốn là được chọn và cái xấu muốn là được bỏ, mà là với tài nguyên hữu hạn, tôi nên chọn đầu tư vào cái nào và chấp nhận từ bỏ cái nào, để kết quả chung cuộc là khả dĩ nhất.

Áp vào câu chuyện cá nục, thì lý luận trên trở thành:

Nếu bạn thừa tiền để có thể mua mọi thứ sạch nhất có thể (nhân tiện, JW Marriott các Thứ Bẩy đang thử nghiệm mô hình chợ phiên bán rau quả lẫn thịt cá nhập khẩu, giá sêm sêm siêu thị) thì ok, cứ lo đi, kiên quyết không ăn cá nào dù chỉ tý nghi ngờ, bạn mua cá sạch và vẫn mua cả thịt trứng rau quả sạch, cái tốn kém thêm là quá nhỏ so với sự an tâm tuyệt đối bạn mua được.

Nhưng nếu bạn không dư dật đến thế, thì sự lo lắng thiếu cơ sở với một loại thực phẩm nào đó (không chỉ cá) sẽ kéo theo đánh giá sai tương quan rủi ro của nó so với các loại khác, và dẫn đến có thể đầu tư vào thực phẩm sạch nhầm chỗ. VD như rau xanh không sạch có thể còn nguy hiểm bằng mấy cá, nhưng sau mấy bài báo giật gân vừa rồi, bạn nghĩ cá đáng sợ kinh khủng lắm, nên chấp nhận tiền lẽ ra mua rau sạch thì bỏ ra mua cá sạch, và đành ăn rau chợ chẳng hạn. Kết cục là tiền vẫn tốn, mà sức khoẻ lại ảnh hưởng nguy hại hơn.

Ai kiên quyết vẫn kỳ thị cá nục dù không cơ sở cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Tôi cũng thuộc loại kỳ thị ty tỷ thứ mà từ bé người thân đã cho là ngớ ngẩn, thật ra đến cả người tôi còn kỳ thị nữa là cá (mà thịt người cũng độc).

Song dù có quyền kỳ thị ko cần cơ sở, chúng ta lại ko nên tuyên truyền chúng như một thứ chuẩn mực, biến góc nhìn cá nhân của mình thành một thứ fact định hướng cho tất cả được. Không đánh giá gì sự lựa chọn của ai, vì ai cũng làm cái tốt nhất trong hoàn cảnh của họ và mỗi người lại một hoàn cảnh. Nhưng tôi cho rằng tất cả cần có quyền được nhìn hiện trạng chung chân thực lẫn đúng mực nhất để ko bị cướp đi một cách âm thầm những cân nhắc đáng có cho hoàn cảnh riêng của mình.

3. Động cơ anh/chị post link này là gì?

Về tìm hiểu thông tin thì chỉ vì muốn tìm hiểu thông tin. Cứ về sức khoẻ thì tôi sẽ muốn biết, để làm gì sau tính và quên tính cũng không sao. Tuy nhiên tìm hiểu là tìm hiểu thôi chứ không có nhu cầu viết lách.

Song khi hiểu chớm chớm thì tôi có tý lạ vì ông giám đốc Sở ăn nói hơi bạt mạng. Đến khi đọc bài của Bộ lại còn lạ hơn, vì Bộ lại không quyết liệt tự tin lắm, thể hiện ở:

Tôi mới thấy có vài khả năng cho sự lạ này:

  1. Năng lực chuyên môn ông Biên cần đặt dấu hỏi mà năng lực một vài người bên Bộ cũng cũng có tý vi diệu, một số kiến thức có lẽ bác sĩ phải nắm như bàn tay (ví dụ về phenol không tích luỹ mà đào thải nhanh, phụ gia thực phẩm được phép, không phải chất gây ung thư) sao phải gúc đâu để rồi dịch nhầm?

  2. Bộ thì ổn về chuyên môn, dưng do các lý do tình huống tế nhị ngoại giao ngóc ngách thế nào đó nên Bộ không thể thẳng thừng sổ toẹt ông kia được

  3. Tôi bị nhầm ở đâu đó, và nhầm rất to. Và vì bên bộ si nghĩ thấu đáo hơn tôi nên họ mới chậm trễ, có tý nguỵ biện, và dè dặt khi trả lời.

  4. Nó như thế vì … nó như thế. Là tôi cứ thích kỳ bí hoá mọi chuyện lên mà thôi.

  5. Chèn vào đây một giả thuyết tinh vi kinh dị lắt léo rùng rợn vãi tè nào đó của riêng bạn.

Hoàn cảnh hơi giống như phía trước là một màn sương mù. Mà để biết phía sau sương mù có gì thì cách ngây thơ mờ giản tiện nhất là tiến về phía nó. Dù cũng có tý rủi ro phía sau là vực thẳm.

Tôi rõ ràng là hèn mãn tính. Nhưng trường hợp này vực thẳm không quá đáng sợ nên cũng chẳng yêu cầu lòng dũng cảm nhiều nhặn lắm.

Nên mới dẫn đến động cơ thứ hai để viết bài này, trưng ý kiến của mình ra để ắt sẽ nhận về các phản hồi làm rõ thêm ý kiến ấy.

Nói chắc không mấy ai tin, song thực sự tôi hy vọng đáp án là 3, là tôi đã sai, sai to và cơ bản ở đâu đó. Bởi vì nếu như ai có thể chứng minh được đáp án này, thì cũng có nghĩa là người ấy đã vừa mở mắt cho tôi một điều to, cơ bản và cam đoan ắt rồi có lúc sẽ hữu ích ở đâu đó ( : 

Panic
Avatar tác giả

Bài của khách

Tác giả: Bác sỹ G

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết trùng với quan điểm của Blog Măng cụt.

Viết cho Blog Măng cụt

BẠN ĐÃ ĐỌC CHƯA?

Bài chọn ngẫu nhiên:

1. Hạ trắng (truyện ngắn)
2. Chuyện xin việc của tôi

Tài liệu tham khảo:

  1. http://www.bcerc.org/COTCpubs/BCERC.FactSheet_Phenols.pdf