Từ lâu lắm rồi, tôi chỉ ăn 2 loại cá biển, dù không bởi lo ngại ô nhiễm. Nhưng nhân dư luận một tuần nay tranh cãi về cá nục, nên tôi cũng thử tìm hiểu, và với vài lý do hôm nay muốn chia sẻ những tìm hiểu ấy.
Các tranh luận thì đều xoay quanh phenol, nên tất nhiên ta sẽ cần quan tâm đến phenol.
1. Ừ, thì phenol, nhưng … phenol nào?
Đầu tiên cần làm rõ là:
Có nhiều hơn một phenol.
Và bọn nó rất khác nhau.
Cần biết như vậy để tránh ông chê gà bà khen vịt mà cả hai đều trật lất, tức là nhận định về phenol tệ hoặc tốt hơn là nó xứng đáng.
Cụ thể, trong các tài liệu trên mạng, phenol có thể mang 1 trong 2 nghĩa sau:
Nghĩa đầu tiên chỉ hợp chất có công thức C6H5-OH, gồm một gốc vòng phenyl -C6H5 cắm vào một gốc cồn –OH.1 Phenyl lấy thêm đuôi “ol” của cồn thì trở thành phenol . Chất này còn có các tên gọi khác là phenyl-alcohol, axit phenic, hydroxybenzene hay axit carbolic. Để phân biệt, từ đây ta gọi nó là phenol gốc.
Phenol, nhất là ở số nhiều phenols, còn là tên chung cho một họ các hợp chất mà cấu trúc cũng có gốc phenyl cắm gốc cồn nhưng còn có thể nối (hoặc không) với nhiều gốc khác.2 Do đó, phenol gốc là dạng đơn giản nhất của họ này, lũ còn lại trong họ chính là phenol gốc cộng thêm cái gì đấy.
Vậy ta đã biết là mọi phenol đều chứa phenol gốc. Dưng trong hoá học, tôi chứa anh có lúc dẫn đến chúng mình giống nhau như như gái với gai, có lúc lại thành như NaCl (Muối ăn – xơi nhiều thì khát) so với Cl2 (Khí Clo- hít nhiều thì chết). Nói cách khác, trùng hợp một phần trong cấu trúc không đảm bảo giống nhau tẹo nào trong tính chất.
Cụ thể, các phenols tuy cùng gốc song tác hại hay tác dụng lại trải trên một phổ đen trắng rộng, từ tội đồ như polychlorinated 2-phenoxyphenol, một tiền chất tạo nên Dioxin- chất độc da cam mà chắc người VN đã thuộc lòng hậu quả;3 cho đến anh hùng như flavonoids, một họ các phenol có khả năng chống ung thư chống gốc tự do chống oxi hoá cải thiện tim mạch số một, thường thấy trong vang đỏ.4 Ở Vn cả tuần nay chúng ta thét lên hai tiếng “phenol” trong một nỗi kinh hãi rụng rời, trong khi trên thế giới, nhiều chuyên trang sức khoẻ lại mặc định dùng từ này đi kèm niềm trân trọng, ví dụ như ở đây: List of High Phenol Foods.
Và bởi các phenol có thể khác nhau như sô-cô-la với cứt sốt như vậy, nên chắc chắn trước khi kết án hay giải oan ta đều cần biết:
Nhân vật mà báo đài, cơ quan chức năng, và nhân dân réo tên mấy hôm nay là phenol nào, phenol gốc, hay không gốc, hay hỗn hợp các phenol?
Phenol này được khui ra từ Sở Y tế Quảng Trị với nồng độ 0.037mg/kg,5 nên ta có thể hỏi béng “Sở, em nói thật đi, thằng bữa đấy là thằng nào, mà chỉ mình nó hay còn thằng nào nữa?”
Dưng hỏi thế thì đơn giản quá nhỉ, nên để phức tạp hoá thêm vấn đề, chúng ta sẽ tự suy luận. Đó phải là một mình phenol gốc, vì các lý do sau:
- Không tồn tại test nào một nhát xác định luôn nồng độ mọi phenol, chỉ có test xác định nồng độ phenol riêng lẻ. Cũng vô nghĩa nếu cộng gộp nhiều phenol riêng lẻ khi chúng quá khác nhau và không thể đánh đồng một rổ.
- Nếu là cộng chọn lọc vài phenol độc, đúng là có vẻ có lý hơn, nhưng ở vụ việc này thì lại không thuyết phục. Trong số các phenol độc, phenol gốc đơn giản nhất và thuộc loại ít độc nhất. Sở Y tế Quảng trị, bên trực tiếp đưa ra con số này cũng là bên luôn thể hiện ý chí lên án phenol và bảo vệ quyết định tiêu huỷ cá nục. Chả có lý gì nếu ở đây có phenol độc khác (cũng tức là độc hơn), mà Sở này, khi bị Bộ bẻ ngược lại, vẫn giấu béng những cái tên sát thủ quý giá ấy đi, hạ level một băng du côn số má (chứa phenol gốc và các phenol độc hơn gốc) thành nhõn một chú tay mơ (phenol gốc), tự phá đi cái thế “quyết tiêu huỷ” mà mình đang theo đuổi.
- Trong tài liệu trên mạng, mặc dù phenol có thể 2 nghĩa, nhưng nếu để số nhiều thì phải là định nghĩa 2 và nếu để danh từ riêng số ít không kèm mạo từ (a, an) thì mặc định là nghĩa gốc. Tương tự sang tiếng Việt, trừ phi thiếu hiểu biết căn bản về hoá học, còn thì nếu tồn tại các phenol khác, ông bác sĩ giám đốc Sở kia sẽ phải gọi là “phenol loại này loại kia, hỗn hợp các phenol” thay vì gọi mặc nhiên là “phenol”.
- Và lý do cuối, giản dị là tui phát hiện ra các phát ngôn lên án hùng hồn của Sở hoá ra là dịch tholobioi có thêm thắt từ chính trang wiki6 của phenol gốc, haizzz.
Mở ngoặc, đặt lý do trên cuối cùng sau 3 lý do nặng kỹ thuật kia, bởi tui rất hy vọng khi đọc bài này, đời mọi người có thể khốn khổ thêm một xíu :P #BitchesWillBeBitches
Giờ đã nắm rõ phenol tình nghi của vụ án (từ đây gọi tắt là phenol), bạn nào muốn gúc thêm thông tin về phenol, có lẽ nên dùng thêm một tên đầy đủ (hydroxibenzene, …), hoặc công thức hoá học của hợp chất này thay vì chỉ xài từ khoá phenol.
Đến đây ta có thể xét sang câu hỏi chốt:
2. Phenol có độc tính không?
Không lôi thôi gì hết, đầu tiên và trước hết:
“Độc tính” nghĩa là gì?
Wiki7 nói:
Độc tính là mức độ mà một chất có thể gây hại cho sinh vật.
với lưu ý:
Khái niệm trung tâm của ngành độc học là độc tính phải phụ thuộc vào liều, ngay cả nước lọc cũng có thể dẫn đến ngộ độc nước khi hấp thụ với liều quá cao, trong khi một độc chất cực mạnh như nọc rắn cũng tồn tại một ngưỡng mà dưới đó không thể gây ngộ độc.
Giờ thì nhắm mắt cũng có thể trả lời “Phenol có độc không?” như sau:
Có và không.
Bởi vì nếu nước lọc còn độc nếu đủ liều và nọc rắn còn an toàn nếu không đủ, thì mọi chất còn lại ắt phải đu đưa liên tục giữa 2 kết quả này tuỳ nồng độ. Thắc mắc trở thành:
- Vầy nồng độ nào thì phenol độc?
- Cá nục Quảng Trị nằm ở đâu so với nồng độ ấy?
3. Phenol độc khi nào và như thế nào?
Ở nồng độ cao, nó có thể có ảnh hưởng nguy hại cả khi tiêu hoá lẫn khi tiếp xúc. Nó có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nó nguy hiểm nếu hít phải, huỷ hoại nghiêm trọng màng nhầy và ống thở trên. Nó cũng nguy hiểm nếu nuốt phải. Nó gây nguy hiểm và huỷ hoại niêm mạc, có thể gây bỏng nếu hấp thụ qua da hay tiếp xúc với mắt. Nó còn có thể gây tổn hại đến tim, não, hệ thống thần kinh, cũng như ăn mòn da, mắt. Các triệu chứng và ảnh hưởng là khó thở, thở khò khè, viêm hầu, viêm phế quản, có thể gây viêm, loét, phù nề với hầu, họng, phổi. Ngoài ra, nó cũng tạo nên thành phần cơ bản thường thấy nhất của sỏi thận, đồng thời cũng gây đau khớp với lý do tương tự. Tiêu hoá nó cùng ethylene glycol có thể gây sỏi thận nặng. Liều tử vong qua đường tiêu hoá là 600 mg/kg thể trọng.8
Nghe kinh khiếp phết :SS
Nhưng …
… xin lỗi đùa tý, đây thật ra không phải độc tính của phenol, đây là độc tính của axit oxalic đó ^^.
Độc tính của phenol trên người thì sẽ là như thế này.910
Với người: Tiếp xúc lâu dài với phenol trong công việc được cho là có liên hệ với bệnh tim, thí dụ như bệnh rối loạn mạch. Uống phenol đậm đặc có thể gây tổn hại nặng đường tiêu hoá và tử vong. Bôi phenol đậm đặc có thể ăn mòn và gây tổn hại da và niêm mạc. Tiếp xúc lâu dài và thường xuyên với phenol có thể có ảnh hưởng xấu tới gan và thận. Không có bằng chứng chứng tỏ phenol gây ung thư.
Với trẻ con: Nếu vô tình uống phải thuốc tẩy uế có chứa phenol thì có thể bị nôn mửa và hôn mê. Không có bằng chứng chứng tỏ phenol gây dị tật thai nhi. Không có thông tin về lượng phenol tích tụ trong sữa mẹ.
Liều tử vong qua đường tiêu hoá là 140 mg/kg thể trọng. Liều an toàn, tức không gây bất kỳ ảnh hưởng đáng ngại nào, cho nước uống cả đời là 2mg/l.
Nhìn chung thì có thể thấy phenol và axit oxalic có thể gây nhiều hệ luỵ khá giống nhau, dù ngưỡng tử vong của phenol thấp hơn oxalic khoảng 4.5 lần.
Có lẽ bạn cũng đã đoán là tôi không vô tình đùa cợt từ phenol sang acid oxalic mà có lý do.
Từ diễn biến mấy hôm nay: Sở nói → Dân chửi → Bộ giải thích → Dân dè dặt → Bộ giải thích → Dân tạm tin → Sở lại nói → Dân lại chửi, có thể nhận ra tồn tại một vài thời điểm dư luận cũng bỏ thời gian lắng nghe và suy xét, dầu rằng hơi ngắn ngủi chăng nữa. Điều này thể hiện, dư luận chưa bảo thủ đến độ bịt tai trước mọi lý luận con số từ Bộ Y tế, mà đơn giản chỉ là Bộ mới chỉ giải thích ở mức vừa đủ để trả lời, trong khi sau một loạt diễn biến thử thách niềm tin như gần đây, người dân có quyền đòi hỏi nhiều hơn rất nhiều một sự “vừa đủ”.
Những gì Bộ Y tế làm dường mới chỉ tạo dựng được một sự an tâm mong manh, vốn rất dễ đổ vỡ khi xuất hiện thêm một vài bài báo/status nhiệt tình + thiếu kiến thức. Cái làm người ta sợ là những thứ chưa thấy, những quan ngại mới chỉ lơ lửng trên đầu còn chưa biết làm sao để bật ra thành lời, chứ không phải những thứ đã được chất vấn. Các con số và lý lẽ thì không sai, song chúng không tạo nên một điểm neo đậu chắc chắn, bởi vẫn không gợi nên một hình dung cụ thể, không gắn với một tương quan đời thường để mà so sánh.
Và tôi muốn nói đến axit oxalic chính để dẫn ra một điểm neo đậu đời thường như thế. (Động cơ sâu xa thì hồi sau sẽ giải trình, dù có thể đoán trước chả tốt đẹp gì)
Tại sao lại là axit Oxalic?
Từ bé xíu, tôi đã rất thích tìm hiểu mọi thứ dính đến sức khoẻ, trong đó có thực phẩm, kiểu như ăn gì bổ gì, ăn gì hại gì, ăn gì với gì cùng thêm bổ, ăn gì với gì thì bớt bổ hay tắc tử, đại loại thế đại loại thế. Đâm khi tìm một đối trọng để nhại lại anh phenol thì nhớ ra luôn bạn này để gúc. Oxalic tuy vẫn chưa phải hợp chất độc nhất tiềm ẩn trong thực phẩm hằng ngày, song cam đoan nằm trong top đầu những chất phổ biến nhất hiện diện trên bàn ăn mọi gia đình, ngoài ra nó cũng dễ dàng tích luỹ và thường xuyên tích luỹ, một dạng “sát thủ giấu mặt” điển hình mà nhiều người không hề để ý. Có thể tham khảo sơ bộ ở đây 11 để thấy, có lẽ gần như ngày nào chúng ta cũng ăn ít nhất một món có chứa “độc chất” này.
Là một trong những thực phẩm được dư luận chung xưa đến nay đều cho là “bổ dưỡng an lành vô hại”, cà rốt cũng kịp tích luỹ một nồng độ oxalic mức trung bình là 0.5 g/100g, tương đương 5000mg/kg, tức là, gấp … 135100 lần nồng độ 0.037mg/kg của phenol trong cá nục. Trong khi ấy, ngưỡng tử vong tối thiểu của Oxalic lại gấp có chưa đầy 5 lần ngưỡng của phenol. Nói cách khác, từ mép vực tử thần căng thước dây ra đo, ta sẽ thấy cà rốt Hà Nội sát vực hơn nhiều so với cá nục Quảng Trị. Ấy là nếu muốn chết, còn nếu chỉ muốn bị ngộ độc thôi, thì ăn nhiều cà rốt cũng nhanh thành oxalic đậm đặc hơn ăn nhiều cá nục thành phenol đậm đặc, mà ở cùng nồng độ đậm đặc, oxalic gây hậu quả không bằng thì cũng hơn cả phenol, vd oxalic còn có thể gây dị tật cho thai nhi trong tử cung, cụm từ có lẽ khủng bố dư luận hơn hết thảy. Đó còn chưa xét, không thể ăn cá nục Quảng Trị hàng ngày, trong khi xác suất lớn và rất lớn là ngày nào trong tuần, tuần nào trong tháng, tháng nào trong năm, bạn cũng ăn ít nhất một lượng thực phẩm có nồng độ oxalic tính trung bình ngang với cà rốt.
Nhưng y như cả thế giới đã biết về thông tin trên vẫn ăn cà rốt, thì tôi, và rồi cả bạn sau bài này nữa, cam đoan vẫn sẽ chọn ăn loại củ ấy. Và nếu cho cà rốt này là an toàn về oxalic thì, đặt trong tương quan về nồng độ, liều tử vong lẫn hệ lụỵ, có lý gì để nói cá nục kia là kém an toàn về phenol? Tất cả những lý luận dùng để phản bác cá nục, cũng có thể dùng y hệt để phản bác cà-rốt, từ tích luỹ, cộng dồn, tương tác chất, vân vân đến vân vê đến vo viên. Thật ra thì, để soi lại xem nào, chúng còn có thể dùng để phản bác thêm cả đậu, củ cải, súp lơ, tỏi, hành tây, salad, ngò, cải xong, rau chân vịt, rau dền, mồng tơi, … và một đống thực phẩm bổ dưỡng nữa mà wiki chưa kịp tổng kết hết và tôi thì cũng ngại gõ thêm. Mở ngoặc, chúng ta còn đang lạc quan đây toàn là thực phẩm sạch nữa đó. Nếu định kỳ thị cá nục, bạn có định kỳ thị luôn biệt đội rau củ này cho khỏi bên trọng bên khinh không?
4. Vĩ thanh về nồng độ
Với mọi chất, nồng độ có thể quyết định lớn đến hoá tính, bao gồm cả khả năng lẫn tốc độ tham gia phản ứng. Nồng độ một chất cũng có thể tác động cả đến trạng thái vật lý rắn lỏng khí của chất ấy. Hệ quả là, tương tác sinh học của một chất có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi độ đo này.
Một ngụ ngôn dễ nhớ về nồng độ là chuyện về axit chlorhyric HCl.
Hồi cấp 2 học Hoá, chẳng hiểu vì lý do gì, lũ học sinh chúng tôi không ai bảo ai đứa nào cũng đều mang một cái định kiến ngớ ngẩn giống nhau, ấy là thích dè bỉu các axit nhóm Halogen như là những kẻ yếu đuối. Tôi nhớ có con bạn từng phát biểu, một lý do mà thời nay cũng tương đối dễ bị ném đá “Chả hiểu sao nghe tên lũ này tao cứ có cảm giác gay gay”. Ấy là với nó, còn với đa số trong lớp, tôi đoán, lý do có lẽ vì tất cả chủ quan bị đánh lừa bởi vẻ ngoài gần như tối giản của cái gốc axit hoá trị 1 + không hề chứa oxi của đám này. Và thế là nhiều đứa (đặc biệt bè lũ “tinh hoa” khốn nạn chuyên điên cuồng săn điểm tuyệt đối) đã từng ngã ngửa ra khi biết HCl, hoá ra lại là một axit mạnh. Thậm chí còn mạnh xếp vào nhóm đa đề, nghĩa là, tất nhiên vẫn kém phân, nhưng hoàn toàn đáng ngồi chung mâm với soái ca đình đám của những cuộc đánh ghen – axit sulfuric (H2SO4). Thậm chí, HCl còn có thể tự hào là tuy thua giải cá nhân nhưng thắng giải đồng đội, ở chỗ, nó cùng với axit nitric HNO3, khi ở nồng độ đậm đặc sẽ làm nên hỗn hợp nước “cường toan”, vua của mọi axit, lên ngai nhờ chiến tích hoà tan vàng, kim loại cứng đầu hàng top trong mọi kim loại. Nhớ hồi đấy ông thầy Hoá của chúng tôi vẫn hay cất giọng du dương “Vàng là đẹp nhất. Vàng là hoàng hậu. Tán được hậu – Ắt thành vua”.
Nhưng sự ngạc nhiên về HCl không chỉ dừng ở đó. Môn Sinh học lại ôn tồn mở mắt tiếp cho bọn chim chíp chúng tôi, là cái axit mạnh và nguy hiểm, thứ giúp hoà tan cả vàng ấy, hoá ra tồn tại rất hoà bình trong cơ thể người, nhưng với một tên gọi tầm thường hơn nhiều: Nước bọt. Nhờ ở một lý do tầm thường tương xứng: Nồng độ thấp. Sau này, khi đã học hoá hữu cơ với chán chê các thể loại tính toán chuyển dịch trái phải thuận nghịch, rồi cũng đến một lúc mà tôi sẽ thấy nguyên lý ấy là gần như hiển nhiên. Nhưng vào cái buổi non nớt kia, câu chuyện về cường toan và nước bọt với tôi đã là cả một khám phá kỳ diệu, cái loại khám phá mà trong suốt thời ô mai và kẹo lạc ta sẽ chỉ gặp vài lần, lần nào cũng thấy lấp lánh một niềm phấn khích say sưa, vẻ say sưa đến vô tận của một đứa trẻ đang mắt mở to, má đỏ bừng lên vì tập trung, đứa trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ mở miệng, nhưng trong óc nó đang bùng lên những thì thầm:
“Là gì?”
nào đâu có ý nghĩa bằng
“Bao nhiêu?”
…
Chẹp, tôi đoán cụ Descartes, trong một đêm đầu đông nào đó của cuộc chiến 30 năm, khi 23 tuổi và ngoài kia cả Trung Âu sắp nhấn chìm hoàn toàn trong lò lửa, cụ vẫn ngồi bên lò sưởi, nghĩ về câu rởm rít “I doubt, therefore I think, therefore I am”, và phấn khích có lẽ cũng chỉ đến như bé con kia là cùng mà thôi …
Cắt trữ tình ngoại đề, quay về bơi cùng cá nục trong tủ đá:
Như vậy là, xem xét tương tác hoá sinh mà bỏ qua nồng độ cũng chả khác gì giải toán bằng cách lập phương trình mà thiếu ẩn, đánh giá là vô nghĩa. Hay là nói độc tính tại mọi nồng độ đều như nhau hay ắt cũng một phần của nhau thì chả khác gì nói tấm vải trắng có chấm đen cũng chính là tấm vải đen hoặc là một tấm vải đen nhỏ.
Còn đã xét nồng độ, thì nói cá nục Quảng Trị độc do phenol kể cũng không sai song vô thưởng vô phạt như nói cà rốt độc vì axit oxalic. Tức là thẳng thừng ra với nồng độ đó có trăm thứ độc đời thường khác hiện hữu sát sườn hơn lẫn cả nguy hiểm hơn đang xếp hàng chờ ta cảnh giác.
Mà thông báo luôn, lấy nồng độ phenol cá nục Quảng Trị làm chuẩn, thì đồ ăn hun khói có nồng độ phenol gấp từ 189 đến 772 lần, 1 điếu thuốc chứa hàm lượng phenol gấp 2-4 lần 1 kg cá, một số loại đậu phụ cho thấy nồng độ phenol gấp từ 12 đến 162 lần,12 và whisky có có nồng độ gấp 810 lần.13
Lý do thứ hai khiến bọn này không được chọn làm đối trọng từ đầu chỉ vì chúng không phải trường hợp tiêu biểu cho toàn dân và cũng không thường xuyên hiện diện như oxalic cùng băng đảng rau củ quả nọ.
Cuối cùng, chốt lại tôi vẫn hiểu rằng, trong những hoàn cảnh như thế này, enough is not good enough. Dầu công nhận những kết luận trên, nhân dân vẫn có quyền bổ thêm một vài nhát lơ lửng:
Cứ coi không độc chết người hay nguy hiểm, nhưng liệu có nghĩa là tuyệt đối an toàn?
Hôm nay an toàn chục năm nữa chắc gì đã thế?
Chả biết an toàn không, chỉ biết trước không có giờ có vầy có là đáng lo rùi, cứ gây thêm áp lực cho quản chặt hơn không phải tốt hơn sao?
Và tất nhiên không thể thiếu:
Động cơ anh chị post link này để làm gì, để làm gì, để … làm … gì? [giọng một super vilain nào đó]
[hoặc Donald Trump cũng oki ]
Cá nục bơi quanh những câu này như thế nào, hồi sau sẽ rõ.
BẠN ĐÃ ĐỌC CHƯA?
Bài chọn ngẫu nhiên:
1. Khoa học: Tòa lâu đài lơ lửng
2. 'Nguy hiểm' là bản chất hay tỏ ra?
Tài liệu tham khảo:
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenol ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenols ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Polychloro_phenoxy_phenol ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenolic_content_in_wine#Flavonoids ↩
-
http://thanhnien.vn/thoi-su/quang-tri-phat-hien-chat-cuc-doc-trong-lo-30-tan-ca-nuc-dong-lanh-712130.html ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenol#Toxicity ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Toxicity ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Oxalic_acid#Toxicity_and_safety ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenol#Toxicity ↩
-
http://www.atsdr.cdc.gov/phs/phs.asp?id=146&tid=27 ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Oxalic_acid#Content_in_food_items ↩
-
https://www.atsdr.cdc.gov/toxprofiles/tp115-c6.pdf (tr 163, 164) ↩
-
https://en.wikipedia.org/wiki/Phenol#Occurrence_in_whisky ↩