Sau khi nghỉ giữa hiệp tán phét về Cổ Long, giờ ta sẽ quay về chủ đề dẫn dắt ( :

Nếu hai bài trước tại đâyđây đã nói về dẫn dắt số đông nhờ gieo rắc nỗi sợ hãi, để trả lại cái nhìn lạc quan tươi sáng cho người đọc, bài này sẽ tìm hiểu một loại thông điệp oánh vào trái tim khác, vừa nhân văn hơn vừa hậu quả tai hại y hệt.

1. Thông điệp nâng đỡ hay là Gieo mầm hy vọng

Gieo mầm hy vọng

Trong một bài phỏng vấn, Sir Ian McKellen, người đóng Magneto lúc già trong series X-men chia sẻ: Ông nhận lời đóng X-men vì nhìn thấy mình ở trong đó.

McKellen là người đồng tính, năm nay 77 tuổi. Hiện giờ đồng tính là chuyện bình thường, nhưng thời McKellen còn trẻ sống ở Anh thì đồng tính vẫn đang còn chịu sự ghẻ lạnh. Tuy vậy, McKellen đã chọn công khai bản thân trước công luận ngay từ giai đoạn ấy.

Không ngạc nhiên khi con người dũng cảm coming out giữa cơn bão kỳ thị kia cũng là con người thấy đồng cảm với các dị nhân, đặc biệt với Magneto, một dị nhân đủ quyết đoán lẫn tầm nhìn để thấu hiểu bản chất tư kiến ích kỷ của nhân loại nên không chút mặc cảm nào về sự khác biệt ở giống loài mình.

Nhưng bài phỏng vấn vẫn trao tặng ta một cú twist, đó là: Sự đồng cảm này không tình cờ.

Một lãnh đạo tại Marvel hé lộ với McKellen rằng: Khi viết X-men, Stan Lee xác định từ đầu đối tượng độc giả của series này là nam thanh niên thuộc một hay nhiều nhóm sau: da màu, Do Thái, tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, hoặc … đồng tính.

Nam thanh niên mới hay đọc comic. Còn những nhóm kia chính là các đối tượng xếp vào bên lề của xã hội lúc ấy. Những người này đang bị hắt hủi bởi cộng đồng và trong họ chất chứa đầy tự ti. Bằng cách tạo nên hình mẫu dị nhân, nâng tính chất “bên lề” đầy tủi hổ lên thành phẩm chất “bị kỳ thị chính bởi sự phi thường”, series X-men đã thổi thêm sự tự tin cho bộ phận độc giả này, mà tất nhiên hệ quả là, bán đắt hàng. Nhớ xưa tui từng phân tích khía cạnh này ở đây, cơ khi ấy chưa đọc về cụ McKellen gì này nọ.

Chiến thuật trên thật ra còn được áp dụng trong đa phần sản phẩm khác của Marvel, VD như Spiderman nhắm vào phân khúc các anh nerd, Captain American là vào những đối tượng thuộc thế hệ mất mát luôn cảm thấy bị tụt lại đằng sau thời cuộc, hoặc gần đây Ms. Marvel ra đời đầu 2013 với nhân vật chính Kamala Khan, một cô bé người Mỹ gốc Pakistan, khai thác chủ đề xã hội nóng hổi là nhập cư, Hồi giáo, và phân biệt chủng tộc. Nói chung đây cũng là lý do ta thấy truyện Marvel Comics thường bám sát không khí thời đại, bối cảnh lẫn câu truyện có một vài nét đời thường gắn với những địa danh và sự kiện cụ thể như New York, Washington D.C. hay WW2, Cold War, …, nhân vật mang những ẩn ức cá nhân “giống con người hơn là giống thánh thần”, ngay Prof X và Magneto cũng được cho có nguyên mẫu đời thật lần lượt từ Martin Luther King và Malcolm X, những điều này làm nên nét đặc trưng, hoàn toàn khác với truyện DC Comics thường có chút mờ về không thời gian như kiểu Gotham, Krypton, Metropolis đi cùng những lý tưởng to lớn. Well, mấy thứ này bao giờ dịp đến sẽ chém gió cụ tỷ hơn.

Quay về chiện dẫn dắt, hiện tượng X-men trên cũng có thể được giải thích tổng quát hơn bằng mô hình dưới đây:

2. Tự ngưỡng tập thể hay là Chúng ta đều đỉnh bởi vì anh ấy đỉnh.

Ngưỡng là trong chiêm ngưỡng, ngưỡng mộ. Tự ngưỡng cá nhân nghĩa là ngưỡng mộ bản thân. Còn tự ngưỡng tập thể thì “ngầm cho tập thể chứa mình là đỉnh hơn các tập thể khác”.

Đám đông cần nâng đỡ thì phải bị thiếu hụt mặt nào đó, chìa khoá để họ có thể tự ngưỡng nằm ở phía người dẫn dắt đám đông. Người này sẽ hiện ra với hào quang trên đầu do mang các đặc tính đám đông khao khát, đồng thời cũng phải là một chuyên gia demagogue (bài 1) khi tuyên bố thấu hiểu được những ẩn ức sâu kín của đám đông. Toàn bộ mô hình tiếp thị lòng tự tin có thể rút gọn thành thông điệp từ một trái tim đau thương gửi tới ngàn trái tim tan vỡ, y như từ các dị nhân bị kỳ thị gửi tới các thanh niên bị ruồng rẫy.

Mối quan hệ này khi thiết lập sẽ tạo ra một win-win situation. Người dẫn dắt thì điều khiển và thu lợi nhờ đám đông, y như Marvel thu lợi từ fanboys. Ngoài ra, họ cũng được thoả mãn nhu cầu ngưỡng mộ bản thân nhờ sự tung hô của người trong đám. Ngược lại, đám đông coi người dẫn dắt như một proxy che chắn giữa họ và cuộc đời. Ngoài đời sống riêng, từ nay họ sống thêm một cuộc đời khác. Người đại diện sẽ làm được điều đám đông không làm nổi, nói hộ điều họ không bao giờ dám nói và tất nhiên đối mặt với những ẩn ức kia theo cách họ không thể. Như đang thị dâm, đám đông thấy mình tự tin mỗi khi chiêm ngưỡng đại diện của họ tự tin. Với đám đông lẫn với người dẫn dắt, ba khái niệm, “tôi, tập thể, và người đại diện” không thể tách rời, họ bảo vệ người đại diện như bảo vệ bản thân, họ yêu mình ngang với yêu tập thể, họ thích phát biểu nhân danh tập thể và cho nó siêu việt hơn các tập thể khác bởi “đại diện của chúng tôi nổi hơn đại diện của các bạn”.

3. Một số demagogue và tự ngưỡng tập thể tiêu biểu

Không chỉ trong truyện tranh, tự ngưỡng tập thể có thể thấy trong vô vàn lĩnh vực khác. Hôm nọ ở đây có kẻ xấu xa tinh vi hợm hĩnh vừa khích tôi chém anh Steve Jobs, nên tiện tay lấy luôn anh này làm ví dụ.

Cũng trong Logic công nghiệp, thầy tôi có lần nhắc đến câu thành ngữ tiếng Anh sau:

Sell the sizzles, not the steak (Đừng bán miếng bit-tết, hãy bán tiếng xèo xèo)

Ý là không nhất thiết tập trung vào sản phẩm, mà vào cảm giác, cảm xúc có thể liên kết với sản phẩm ấy. Về khoản này anh Jobs đúng là thánh với quả ad Think different kinh điển sau:

Nâng cốc vì những người điên

Những người lạc lõng. Người nổi loạn. Người gây rối.

Những mẩu tròn trong lỗ vuông. Những người nhìn mọi thứ khác biệt.

Họ không thích luật lệ, và họ bất cần hiện trạng.

Người ta có thể quote họ, bất đồng với họ, tôn vinh hay phỉ báng họ. Điều duy nhất không thể là tảng lờ họ.

Bởi vì họ thay đổi thế giới.

Họ đẩy nhân loại tiến về phía trước.

Và khi một số có thể nhìn thấy họ điên, chúng tôi thấy họ thiên tài.

Bởi chỉ những người đủ điên để nghĩ họ có thể thay đổi thế giới, mới là những người làm như vậy.

Apple - Think Different Commercial

Quảng cáo này thành công đến độ được coi như sự kiện bước ngoặt cứu vãn Apple (được cho 6 tháng nữa phá sản). Thông điệp hoàn toàn đúng, những người nghĩ khác mới có thể thay đổi thế giới. Tuy nhiên sự thành công của ad này lại không vì nó đúng, mà ở ngụ ý oánh vào trái tim sau:

Và nếu là khách hàng của Apple, bạn cũng như thế.

Người nghĩ khác và thay đổi thế giới thì cực ít, người nghĩ khác nhưng không thể thay đổi thế giới thì nhiều hơn mà vẫn ít, song người nghĩ là mình nghĩ khác thì không đếm xuể. Tuy nhiên, họ chắc chưa mạo hiểm đến độ cho mình đang thay đổi thế giới. Steve Jobs sẽ giúp họ vượt qua mặc cảm ấy. Bởi Steve Jobs đúng là thiên tài đang thay đổi thế giới. Thế là đủ, đám đông chỉ cần nhìn vào người dẫn dắt để thoả ước vọng, càng ủng hộ Jobs và Apple nhiệt tình họ càng cảm thấy hào quang từ Jobs toả một chút sang họ. Vậy là thêm một lý do để cùng mua hàng Apple. Kịch bản giống clip tôi post trong bài đây, kể khó tin năm 1979 Monty Python đã nghĩ được ý tưởng ấy và vào reddit thì dăm bữa nửa tháng lại thấy reference đến đoạn trích kinh điển này. Cú twist ‘n’ turn cuối cùng của câu chuyện Think different là đoạn ad trên không chủ yếu do Jobs nghĩ ra như nhiều người nhầm tưởng lẫn ông tự nhận, và lúc đầu Jobs đã gọi nó là: Một bãi cứt quảng cáo chuyên nghiệp, tôi ghét nó. Khi biết chuyện này tôi bắt đầu trân trọng Jobs. Ông đúng là một người nghĩ khác.

Dù sao, thông điệp trên cũng là vẫn hữu ích hay ít nhất chả chết gì ai, cuộc đời Jobs cũng đã thực hiện được đúng tôn chỉ ấy. Giờ ta xem xét một chuyên gia bán thông điệp từng được coi như một Steve Jobs mới, là Elizabeth Holmes, giám đốc Theranos, công ty cách đây 1 năm đình đám với việc tung ra dịch vụ 70 xét nghiệm y học chỉ tốn 1 giọt máu. Ở Mỹ đến giờ ai cũng biết Theranos lừa đảo, tin này đủ lâu và xác quyết đến độ có người kịp viết xong tiểu thuyết về nó, người khác kịp chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản, người nữa lên kế hoạch dựng kịch bản thành phim, và dự án phim này đang được coi là hot deal mấy tháng qua ở Hollywood, hứa hẹn ra mắt năm 2017 sẽ là một anti-film xứng đáng của “The Social Network”. Câu hỏi giờ ko còn là: EH có lừa đảo ko? mà là: Nhưng bằng cách nào EH lừa đc nhiều ng thế?

Từ đầu, đã có không ít nhà khoa học về Y/Hoá Sinh nghi ngờ tuyên bố của EH và Theranos là ko khả thi về vật lý. Dân thường ít chuyên môn cũng đã có người cẩn trọng khi trong phỏng vấn EH luôn lảng tránh các câu hỏi về mặt kỹ thuật mà chỉ bám vào bùa hộ mệnh “Nó tốt bởi FDA đã chứng nhận” (sau phát giác là nói dối). Một cha tech man nào đó từng nói “Làm sao biết một kỹ sư biết những gì? Dễ lắm, họ sẽ tự kể cho bạn”. Tương tự, những người cải cách công nghệ như Elon Musk luôn thích kể về công nghệ mà họ cải cách bởi nó giúp phô diễn kiến thức lẫn sự đột phá họ đem lại, nên chuông cảnh báo đã khẽ rung khi EH đưa ra một công nghệ cách mạng đến thế mà lại chọn im lặng.

Song tại sao tất cả những cảnh báo này đều chìm vào quên lãng?

Và chả lẽ EH ko nói gì mà lại được đầu tư lớn rồi cả mấy chục nghìn người sử dụng dịch vụ của Theranos sao?

Có chứ, EH nói về việc mình từng bỏ học đại học, về việc không ngừng theo đuổi ước mơ và cứ tin đi rồi bạn sẽ biến chúng thành hiện thực, về chủ nghĩa nữ quyền và cải thiện vai trò của phụ nữ trong xã hội, về mong muốn tạo ra xét nghiệm đã nhanh không đau lại còn rẻ đến ko tin nổi, về mong muốn cải thiện chất lượng y tế, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ con, người già, người tàn tật, để giúp “thế giới này ngày một tốt đẹp hơn”. Tức là EH bắn ra tá lả thông điệp hy vọng nhắm đến đủ loại thị phần khách hàng người nghèo, người trẻ, người tàn tật, người già, phụ nữ, trẻ em. Ko những thế, cô còn nói về việc thích mặc áo cổ lọ màu đen, detox bằng rau củ organic, và nghiện công việc, tức là giống Jobs bất ngờ, dù chỉ là về cái vỏ. Nhiều ng ủng hộ EH vì cô khớp với đúng mô hình ng dẫn dắt tự ngưỡng, cô có vẻ chói loà của một female SJ để họ tự hào hộ, nhưng cô cũng nói ra những ẩn ức họ ko dám nói. Họ ko tin cô dối trá vì thế sẽ phá vỡ giấc mơ đẹp, cho đến khi họ bị chính ảo vọng của mình cắn vào mông lúc bê bối Theranos bung ra và họ nhận về hàng chục nghìn xét nghiệm sai lệch.

Nói thật khi post trên face cách đây 1 tuần (lúc đó còn set private), bài này ko hề liên tưởng đến EH, cho đến hôm nay vào Vnexpress đọc được top comment kinh điển dưới đây, mới cảm thấy ko nói trong chủ đề dẫn dắt này thì quả là có tội với nhân loại.

Bình luận trên VNExpress

Nhìn comment trên (khi Theranos đã bị vạch mặt) có thể mường tượng ra lý lẽ fan EH bên Mỹ lúc Theranos chỉ mới bị nghi ngờ thôi sẽ còn hùng hồn đến thế nào. Chính đám đông tự ngưỡng này chứ ko phải Theranos mới là lực lượng to mồm nhất đã dập tắt tiếng nói của những người gióng chuông cảnh giác ở trên. Nhiệt tình đến vậy là do họ ủng hộ EH nào vì EH, mà chính vì bản thân họ, họ muốn mượn EH để được lên lớp người khác y như chuột nhắt mượn oai hùm. Cũng y như cái cmt hài hước bên VnEx kia nói ra để thoả cái bất mãn bản thân với tình hình nước nhà chớ quan tâm hiểu biết j về cô EH và chiện nước Mỹ đâu (nhân tiện thấy cmt trên nhắc đến “chính khách” thì bỏ nhỏ, bố EH là nhân viên cao cấp chính phủ, và thành viên hội đồng quản trị Theranos chả có chuyên gia y tế nào mà tuyền chính khách cấp bự cả). Bây giờ ở Mỹ 2 5 rõ 10 rồi thì dư luận kiện cáo EH đã gây ảnh hưởng sức khoẻ tính mệnh cả nghìn người, nhưng tôi thấy từ đầu đến cuối EH chả sai gì ngoài bán đúng cái huyễn mộng mà nhiều người ao ước. Mỗi khi có một thảm hoạ, người ta luôn muốn đơn giản hoá vấn đề bằng cách đổ cho một cá nhân nào đó là phù thuỷ, mà ko biết, nó xảy ra đôi khi nhờ ma quỷ ấp ủ sẵn trong những người từng cúi đầu thờ cúng cá nhân kia mà thôi.

Nói đến “ma quỷ ấp ủ sẵn”, ta sẽ bàn đến VD cuối cùng. Sau SJ và female SJ, bạn có thể nghĩ vậy demagogue “mang hào quang trên đầu” nghĩa là phải thiên tài, thành công, viên mãn (thật hay giả) mới dẫn dắt được nhiều người ủng hộ. Marilyn Manson sẽ chứng tỏ rằng, thực tế đa dạng hơn ta tưởng. Rocker xuất thân từ nhà báo này chính là nguyên mẫu cho tiểu thuyết 50 Shades of Black, nói chung anh đen từ trong ra ngoài, từ mắt đến môi, từ ngoại hình đến phát ngôn đến âm nhạc.

Rocker MM

Nhưng sự dị hợm, kinh dị, thậm chí bệnh hoạn ấy của MM hoá ra lại giúp anh thu hút một bộ phận fan. Bởi đó là những người đang bất mãn, và vì bất mãn, họ căm thù mọi thứ, muốn đảo lộn mọi giá trị, sai cũng thế mà đúng cũng thế. Nhưng rõ ràng họ không thể làm nên một cuộc đảo ngôi như vậy, họ trông chờ một người hùng. Và người hùng đó là MM, một người có vẻ cũng thê thảm như họ, đầy bi quan như họ, ngập tràn căm phẫn như họ, nhưng lại dám thách thức cuộc đời, dám tôn vinh bệnh hoạn, chết chóc, đen tối thành chân lý. Nói cách khác, MM là thủ lĩnh tinh thần của một giáo phái thờ Satan, anh càng bệnh thì càng cổ vũ tự tin cho các fan. Tôi ko mộ MM, nhưng tôn trọng anh, bởi một lẽ thay vì tỏ ra tin tưởng ở triết lý trên, anh lại có lần thú nhận :

Tôi bán bóng tối cho những người đã đứng sẵn trong đó.

Phải dũng cảm nhất định mới dám bài ngửa về chiêu trò tiếp thị ấy “Này tôi chả có đau khổ tuyệt vọng gì sất đâu, là thòng dây vào mũi dắt bọn tuyệt vọng đau khổ móc tiền ra mua đĩa mà thôi” trong khi đa phần những người dẫn dắt khác thì chả nghĩ nổi ý này hoặc chỉ là kẻ đi bắt chước, bởi điều họ sợ nhất là bị vạch ra bộ mặt con buôn. Như vậy là nếu có dẫn dắt, MM cũng chứng tỏ ở một tầm cao hơn hẳn nhiều kẻ dẫn dắt ngô nghê lộ liễu khác.

Marilyn Manson - Get Your Gunn

4. Vĩ thanh

Người ta đã tổng kết những người tự ngưỡng và các tập thể tự ngưỡng thường có các suy nghĩ sau:

Tôi thích nhóm chứa tôi là trung tâm chú ý

Tôi cho là nhóm chứa tôi có giá trị hơn các nhóm khác đối với xã hội

Tôi cho là nhóm chứa tôi đủ năng lực ảnh hưởng các nhóm khác

Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu được dẫn dắt bởi nhóm chứa tôi

Nhóm chứa tôi thật tuyệt vời

Đừng vội cười khẩy. Tôi thấy mấy suy nghĩ trên dễ thương phết đấy chứ. Hơn nữa tất cả chúng ta, không chừa một ai, cam đoan đều đã từng tại một thời điểm nào đó đứng trong quan hệ tự ngưỡng dẫn dắt, tại những ngữ cảnh có khi còn rộng lớn hơn cả X-men, Steve Jobs, hay Marilyn Manson. Vd như tầng lớp trí thức thì dễ mắc ảo tưởng phải elite mới nên lãnh đạo xã hội, giới industry lại hay tự hãnh tiền của họ đè chết đất nước này, nhân dân cần lao bèn e hèm 2 chú liệu hồn cải cách ruộng đất nhé, tất nhiên các chính trị gia thì chả nói gì chỉ cười mỉm chi cọp. Hay như các bạn già thường đề cao kinh nghiệm đóng góp của người già, trong khi các bạn trẻ lại ca ngợi xông xáo nhiệt tình của người trẻ, 30 năm trước các bạn già tuyên ngôn y bạn trẻ, 30 năm sau các bạn trẻ trầm ngâm hệt bạn già. Hay nữa, phụ nữ dịu dàng thì cho mình là lưu giữ thiên chức cùng tính nữ vĩnh hằng, còn phụ nữ cá tính thì cho chúng tôi đây mới là tương lai thế giới. Một khi đã mang các mầm mống kiểu trên, tự khắc sẽ xuất hiện các demagogue tương ứng để thoả mãn nhu cầu tự ngưỡng ở các thành phần này. Đó là cách một số influencer ra đời, dù phong cách có thể trái ngược nhau song đều sở hữu một bộ phận con nhang đệ tử xì xụp khấn bái như nhau, miễn là họ biết đưa ra thông điệp giải toả đúng ẩn ức và khao khát của những đám đông ấy.

Chính bởi chúng ta thật ra giống nhau nhiều hơn chúng ta tưởng như thế, nên cũng đừng vội bỉ bai ai đang bị dẫn dắt tự ngưỡng. Tôi tìm hiểu về điều này, y như bầy đàn, chỉ đơn giản do sở thích muốn nhìn rõ mọi thứ hơn là để phán xét. Nhìn rõ để làm gì? Để có lựa chọn tốt hơn. Nếu có bị dẫn dắt, tôi muốn được chọn sự dẫn dắt. Nếu phải rơi xuống vực, tôi thích dang tay tự thả rơi hơn là trượt chân ngã. Bởi vì cơ bản lúc trượt chân, bạn chả thể cảm nhận được trọn vẹn trạng thái rơi.

Tự ngưỡng tiếng Anh là Narcissistic, gốc là từ tên một nhân vật của thần thoại Hy lạp, chàng Narcisse. Trên thế gian không có ai đẹp như Narcisse, chàng đẹp hơn cả những thiếu nữ xinh đẹp nhất. Nhưng do kiêu ngạo nên Narcisse bị thần Nemesis trừng phạt. Một ngày, Narcisse đi ngang qua hồ, chàng cúi mình định vốc một ngụm cho đỡ khát, thì nhìn thấy bóng mình dưới nước. Narcisse say sưa nhìn ngắm bản thân, không hề nhận ra đó chỉ một cái bóng. Chàng cúi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa để ngắm cho thoả, và rồi, chàng rơi xuống hồ nước. Đến khi sang thế giới bên kia, hàng ngày Narcisse vẫn say sưa ngắm bóng mình dưới con sông mê Styx. Trên thế gian, tại hồ nước nơi chàng chết, mọc lên hoa thuỷ tiên, tiếng Anh là hoa Narcissus.

Câu chuyện về chàng Narcisse cũng phản ánh tính 2 mặt của sự tự ngưỡng do dẫn dắt. Một mặt thì tự tin là một điều cần thiết, nếu đám đông có thể thổi lên cảm giác này thì cũng giống như bán cho bạn một liều tăng lực hữu hiệu, nhất khi bạn đang yếu ớt. Tuy nhiên, mọi sự tự tin healthy đều cần phải có cơ sở và dẫn ra hành động tích cực. Nếu thông điệp tự tin không có cơ sở mà chỉ là ảo tưởng thì ắt sẽ dẫn ra bi kịch, y như chàng Narcisse chết đuối trong niềm tự ngưỡng của chính mình. Còn nếu đi theo người dẫn dắt chỉ để hô khẩu hiệu còn bạn không thật sự sống như thế, ỷ vào người dẫn dắt chứ không phấn đấu làm mình tự mạnh, thì thông điệp hy vọng sẽ giống như morphine, lúc đầu là thuốc giảm đau, sau lạm dụng và thành ra gây nghiện. Cặp đôi người dẫn dắt và đám đông tự ngưỡng có thể mở ra nhiều bài học cuộc sống, mà cũng có thể sẽ tạo ra những bong bóng để cùng chui vào tâng bốc lẫn nhau và chê bai phần còn lại của thiên hạ. Trú ẩn khỏi giông bão cuộc đời đôi khi là lựa chọn cần thiết, nhưng cuộc đời rất tiếc không cho phép ai trốn tránh nó mãi. Nó lại còn là chuyên gia chơi trò đánh tỉa nữa. An tâm đi, sẽ có lúc nào đó, nó đánh hơi ra bạn, lặng lẽ bí mật bám theo, nhanh như chớp đã thình lình ở sau, kéo giật bả vai, dí sát miệng phả vào mặt bạn một hơi thở hôi hám và bắt phải trả lời.

Mà khi ấy thì không còn đám đông, hay bong bóng che chắn nào ở đấy được đâu.

He he, mà tôi đang muốn gieo rắc thông điệp sợ hãi chút thôi, đừng có lo, tự ngưỡng đôi khi chỉ như một giai đoạn, nó đến và đi như mụn trứng cá ấy. Thở tiếp đi.

Dù tất nhiên thi thoảng mụn cũng quay trở lại và tô điểm thêm dăm ba vết sẹo, nhớ bôi thuốc và bảo trọng ^^!

Avatar tác giả

Bài của khách

Tác giả: Bác sỹ G

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết trùng với quan điểm của Blog Măng cụt.

Viết cho Blog Măng cụt

BẠN ĐÃ ĐỌC CHƯA?

Bài liên quan

1. Fear unites, Fear divides, Fear conquers ...
2. Sex sells. And ... does twice better.
2. Different is the next Conventional ...