Bài trước đã phân tích về dẫn dắt bằng sợ hãi trong vấn đề sức khoẻ.
Nhưng sức khoẻ thì gần gũi dễ hiểu quá nhờ, để thêm phần rối rắm và nguy hiểm, bài này sẽ tiếp nối chủ đề dẫn dắt nhưng trong vài chuyện vớ vẩn hơn:
1. Điều khiển bằng sợ hãi – Lo sợ thì đoàn kết, an ổn thì chia rẽ
Ông nào đó từng nói:
Cách dễ nhất để điều khiển đám đông là kiếm cho họ một kẻ thù.
Có lẽ bản chất chính là: Kiếm cho họ một nỗi sợ.
Người ta thường đoàn kết hơn khi nguy hiểm sát gần, và dễ đấu đá nhau hơn khi nguy hiểm đã rời xa.
Trong Tam Quốc, kế này từng được Quách Gia hiến cho Tào Tháo. Tháo lúc đó đang bắc phạt để diệt 2 con của Viên Thiệu là Viên Đàm và Viên Thượng, 2 anh em tuy có xích mích song sợ kẻ địch mạnh nên vẫn hiệp sức. Nghe lời Quách Gia, Tháo vờ xuôi quân về phương nam nhằm hướng Kinh Châu giả đánh Lưu Biểu. Quả nhiên quân Tháo mới đến Tây Bình, Đàm và Thượng đã trở mặt tranh đoạt. Đàm bị Thượng đánh bại, bỏ chạy phái sứ giả hàng Tháo. Tháo quay quân về cứu Đàm diệt Thượng. Không lâu sau, Quách Gia thịt nốt Đàm.
Nếu như Tháo lợi dụng kế sách trên để chia rẽ kẻ địch, một nhân vật khác, gian hùng thời loạn hơn Tháo, lại áp dụng tư tưởng này để thâu tóm quyền lực cho bản thân.
2. Nguyên nhân của mọi …
Ngày 29 tháng 10 năm 1929 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Trong ngày đó, nước Mỹ mất 13 tỷ đô, bằng 179 tỷ đô ngày nay trên thị trường chứng khoán. Ngày Thứ Ba Đen Tối ấy cũng đánh dấu sự bắt đầu cơn ác mộng Đại Khủng Hoảng từ đây sẽ kéo dài hơn 10 năm tại nhiều quốc gia phương Tây.
Nhưng ở bên kia Đại Tây Dương, một loạt sự kiện khác cũng nhân đấy mà ấp ủ, diễn biến tối hậu của nó như sau này ta thấy, sẽ còn ảnh hưởng lên thế giới sâu sắc hơn nhiều một cú hụt chân về kinh tế.
Có thể bạn cũng đồ ra, kết cục cuối cùng muốn nói đến là Thế Chiến 2, và nhân vật muốn kể là Adolf Hitler.
Năm 1929, Hitler đã ra tù được 5 năm, vẫn là lãnh đạo đảng Quốc Xã, nhưng đã hết hạn bị cấm phát biểu nơi công cộng. Cuộc Đại Khủng Hoảng cung cấp mảnh ghép cuối cùng cho mưu đồ chính trị đã nung nấu của hắn. Ở Đức, hàng triệu người mất việc, một số ngân hàng lớn bị đóng cửa, gánh nặng bồi thường chiến phí WWI theo Hiệp ước Versailles trở nên không chịu nổi. Tất cả dẫn đến tâm lý bất mãn với nhà nước Cộng hoà Weimar, lập nên nhờ cuộc đảo chính xoá bỏ chế độ bảo hoàng năm 1918. Tận dụng không khí ấy, trong các phát biểu trước công chúng, H tìm cách khơi lại học thuyết cho rằng cuộc lật đổ 1918 là âm mưu của những kẻ cộng sản và Do Thái “hợp tác đâm sau lưng trên sân nhà” làm nước Đức thua trận trong WW1, từ đó thổi lên tư tưởng bài Do Thái bài Cộng sản. Trong “Mein Kampt” viết từ lúc ở tù, H mô tả dân Do Thái như một hiểm hoạ không chỉ cho dân tộc Đức mà với cả nhân loại, hắn lý luận rằng dân tộc này không xứng là người bởi đi đến đâu cũng toan tính lừa đảo, vơ vét, phá huỷ mọi nền văn hoá và dân tộc để xây dựng nên một thế giới toàn Do Thái, rằng “đây là âm mưu Do Thái toàn cầu”, “thậm chí chúng có ý đồ xây dựng một nhà nước Do Thái tại Palestine cũng chả để sống, tất cả những gì chúng muốn là một tổ chức trung tâm cho trò lừa đảo toàn thế giới, nơi được trao tặng các đặc quyền lãnh thổ do đó tránh được sự can thiệp của các quốc gia khác, một thiên đường cho những tên tội phạm bị kết án và một trường đại học cho những tay bịp tương lai”.
Thông điệp ấy được H nhắm tới những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi khủng hoảng là nông dân, cựu chiến binh và tầng lớp trung lưu. Dưới áp lực thắt chặt của thời cuộc, những mầm mống lo sợ về gánh nặng kinh tế và tương lai bất ổn này dần phát huy tác dụng. Chỉ 3 năm sau, tháng 1 năm 1933, Hitler lên ngôi Quốc trưởng, và đến tháng 3/1933, đảng Quốc Xã đã chiếm được nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Ngay năm đó, chính phủ Quốc xã ký Hiệp ước Haavara với người Đức Do Thái, từ 1933 đến 1939, hiệp ước này cho phép hơn 50.000 người Do Thái dời Đức sang Palestine. Một số người cho thoả thuận này chính là để loại bỏ dân Do Thái khỏi Đức như một phần của “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”. Song thực chất hơn, nó để phục vụ mục tiêu kinh tế của chế độ Quốc xã muốn nhanh chóng làm đầy ngân khố. Những người Do Thái dời Đức sẽ phải trả thuế rất nặng, họ cũng phải mua lại tài sản của mình với giá rất đắt, các tài sản còn lại thì đều sẽ bị tịch biên và đấu giá. Bài trừ Do Thái, chế độ Quốc xã trước tiên muốn cướp của nhằm sống sót qua áp lực kinh tế sau chiến tranh và khủng hoảng, như ông nào đó từng nói, nguyên nhân của các cuộc chiến tranh lúc nào cũng nằm ngoài chiến tranh. Để sau đó, WW2 nổ ra và từ đoạn này mọi người đều thuộc làu trong lịch sử.
3. Tại sao chúng ta học những bài khác nhau từ cùng một lịch sử?
Sau câu chuyện Hitler, đến đây nhiều người đã liên tưởng đến tình hình đảng Ukip ở Anh và anh Trumps bên Mỹ. Ví von Ukip hay Trumps là Nazi và Hitler thì hơi quá, do 2 bạn này khó mà đi đến mức độ cực đoan như vậy.
Nhưng nếu chỉ so sánh cách đi lên của các đối tượng, thì đúng là có nhiều điểm tương đồng với cách Hitler ở nước Đức giành được quyền lực: Cả ba (Ukip, Trumps, Hitler) đều đi lên trên cơ sở điều khiển bằng nỗi sợ kết hợp với chủ nghĩa dân tộc. Từ đổ tội cho một nhóm người hòng tạo ra thế: chúng ta vs. chúng nó, đến nhấn mạnh áp lực kinh tế, gieo rắc nỗi lo trước nhập cư và toàn cầu hoá, cổ vũ thái độ bài ngoại, hứa hẹn giành lại vinh quang quá khứ, sau rốt cũng đều nhắm đến cùng một loại khán giả (trung lưu, công nhân, nông dân, …).
Tôi không có kiến thức để biết những nỗi sợ hãi do Ukip và Trumps đưa ra là thoả đáng hay thổi phồng, tôi chỉ tự hỏi vì sao lại điều này lại bắt đầu ở Mỹ và Anh, 2 nước dân chủ và mạnh về kinh tế hơn so với nhiều nước phương Tây khác, vì sao những nỗi sợ kiểu này lại lên ngôi trước ở đấy? Thậm chí nói về vấn nạn nhập cư thì, do địa lý và chính sách, Anh còn lâu mới cần phải sợ như châu Âu lục địa.
Chắc hẳn phải có vô số lý do phức tạp, tôi chỉ nêu một giả thuyết nhỏ là nó xảy ra một phần bắt nguồn từ cái nhìn của 2 nước này đối với chủ nghĩa phát xít.
Theo wiki, sau WW2, châu Âu có 20 nước ra luật cấm việc Phủ nhận nạn Diệt chủng (Holocaust Denial), tổ chức EU sau này cũng có luật chung tương tự. Tôi nhớ xưa nghe giai kể là ở Pháp người ta được quyền nói ra các số liệu, từ các số liệu đó cũng được quyền nghi ngờ là Holocaust ko tồn tại hay số nạn nhân Holocaust là bị thổi phồng, song nếu thẳng thừng nói ra nghi ngờ này, kể cả không khẳng định, thì vẫn sẽ bị ra toà.
Tuy nhiên Mỹ và Anh thì không có luật đó, cũng là 2 nước lớn duy nhất trong phe Đồng Minh thế chiến đã không đặt Holocaust Denial (HD) ngoài vòng pháp luật. Trong khi ấy, tại sao các nước châu Âu, nơi khai sinh và thường rất tôn trọng tự do ngôn luận, lại ra một quyết định có vẻ ngược tự do ngôn luận như thế? Nhất là khi đến giờ thuyết HD vẫn chưa bị bác bỏ hoàn toàn.
Mấu chốt ở đây có lẽ các toà án châu Âu không khẳng định Holocaust Denial là sai. Ở Pháp, theo tôi biết quan toà phải trung dung trong mọi vấn đề, nghĩa là bao gồm cả không được quyền phán xét lịch sử. Các nước trên đã chỉ cấm HD dựa trên hệ luỵ có thể của nó đặt trong bối cảnh đất nước họ. 3 quốc gia ngăn cấm Holocaust Denial mạnh mẽ nhất là Pháp, Đức, Áo thì Đức, Áo từng xếp vào nhóm phát xít, còn Pháp từng có giai đoạn tủi hổ đầu hàng và hợp tác Phát xít. Tất cả các nước còn lại nếu không là đồng minh thì cũng từng bị phát xít chiếm đóng. Nói cách khác ở các quốc gia ấy, nỗi đau của nạn nhân còn nóng hổi hoặc nguy cơ phát xít vẫn đang chờ chực, cấm HD là giải pháp cần thiết để bảo vệ cộng đồng, điều cũng ghi trong tự do ngôn luận.
Đến đây ta đã hiểu vì sao Anh, Mỹ ko ban hành luật cấm HD. Bởi cả hai chú đều chả sợ gì phát xít. Một anh ngoài biển và một anh tận bên kia đại dương, cả 2 anh chưa từng nếm trải thảm hoạ phát xít sát sạt như bọn còn lại, có thể vì thế mà chưa tởn. Ngoài ra, còn một lý do là hệ thống luật của Anh Mỹ đều là thông luật khác với đa số châu Âu dựa trên dân luật. Thông luật thì phán xử dựa nhiều theo tiền lệ, mà để có tiền lệ xử Holocaust Denial là phạm pháp thì phải có tiền lệ chứng minh Holocaust đã chớ, thế thì lại là phán xét lịch sử rùi, con rắn cắn đuôi quả hơi nan giải.
Vì vậy, có thể đó là một trong những lý do mà trước sự dâng cao của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân Anh và Mỹ không hốt hoảng nhiều và tìm cách ngăn chặn như các nước phương Tây khác. Châu Âu lục địa cũng sợ nhập cư, toàn cầu hoá, áp lực kinh tế chứ, nhưng họ càng táng đởm kinh hồn hơn trước chủ nghĩa phát xít. Giữa 2 nỗi sợ, nỗi sợ phát xít đã thắng thế. Tuy giờ Đảng Cộng hoà đang hô nhau cùng dập Trumps và chấp nhận ứng viên Dân chủ có thể thắng thì nhân dân Mỹ vẫn lưỡng lự hai dòng, chứ chưa thể đồng lòng phản đối tư tưởng cực đoan như dân Pháp (và đa phần châu Âu khi đó) đợt bầu cử năm 2002 xưa kia.
Ngày 21/4/2002, ngày lãnh tụ đảng Mặt trận quốc gia là Jean Marie Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử, cũng nghĩa là sẽ trở thành 1 trong 2 ứng viên trực tiếp tổng thống, sau này đã được nhắc đến như “ngày quay lại của chủ nghĩa phát xít”. Dân Pháp xô ra đường biểu tình phản đối, họ vốn là loại lười bầu cử nhất châu Âu nhưng lần này cũng hò nhau đi để vote cho ứng viên còn lại là Jaques Chirac, trong khi anh này trước đó vừa bị khui ra bê bối tham nhũng trong quá khứ. Khẩu hiệu của nhân dân là “Bầu cho kẻ cắp, không cho phát xít” lol. Anh Chirac quả là mèo mù vớ cá rán, tưởng là tiêu mà cuối cùng kết cục lại giành chiến thắng với khoảng cách lớn nhất trong lịch sử (64%). He he, mà kể cũng có chút Karmic cycle khi năm xưa phát xít lên ngôi ở Đức nhờ dẫn dắt bằng nỗi sợ, thì năm đó ở Pháp phát xít đại bại cũng chính vì đối thủ biết dẫn dắt sự sợ hãi.
4. Bình loạn cuối trận:
Nói chung tôi thuộc loại theo chủ nghĩa chọc tay vào ổ điện nên cũng không thấy quá lo ngại với diễn biến anh Trumps và Ukip đang dẫn dắt nhân dân Mỹ Anh bằng nỗi sợ hãi như trên. Đức xưa đang ở thế dưới về kinh tế nên chả có nhiều nhặn để mà mất khi dấn thân vào một cuộc chiến tranh diện rộng. Với những gì Anh và Mỹ đang có và với tính thích dậu đổ bìm leo của cả hai, nếu có WW3 toàn các anh nhớn choảng nhau dễ 2 bạn chỉ thích nhảy vào sau rốt hòng hốt trọn ổ khi cờ tàn thay vì mạo hiểm đi bước trước. Mà nếu có chuyển hoá sang phát xít cũng khó thành diệt chủng như hồi nọ, biết đâu khi kết thúc lại giúp nhân dân 2 quốc gia học thêm bài học, sau này lại ra luật cấm Trumps Denial hay Ukip Denial cũng nên.
Cuối cùng, trường hợp tệ nhất là WW3 xảy ra và huỷ diệt tất cả, thôi thì coi như một vụ reset như trong các phim zoombie hay hậu tận thế, giống người bại hoại nhơ nhuốc bị quét sạch như ý Chúa, số may mắn sống sót sẽ quay về lối sống gần gũi với tự nhiên, có chiến tranh thì cũng chỉ biết lấy đá chọi nhau, tin vui đấy sẽ là kết cục yên lành và thanh bình nhất có thể cho Trái Đất lol.
P.S.: Có khi nào fan Hilary giờ nên xài khẩu hiệu “Bầu cho kẻ nói dối, không cho phân biệt chủng tộc” không ta :-$?
BẠN ĐÃ ĐỌC CHƯA?
Bài liên quan
1. Sex sells. And ... does twice as better.
2. Different is the next Conventional ...