Nhân đọc top này về tư duy lập trình nên si nghĩ một tý. Tui nghĩ cái này từ hồi cấp 3 mon men học lập trình, nhưng giờ có dịp thì tiện thể chém.

Nếu chỉ xét về tính chất thủ tục thì tôi cho rằng, bình thường con người khi giải quyết vấn đề vẫn đang tư duy kiểu lập trình đó thôi, có chăng việc lập trình thì chuẩn hoá hơn một chút, là vì máy ngu hơn người nên phải nói khuôn dạng chuẩn nó mới hiểu đc. Song cơ bản vẫn là tư duy của chính bạn biểu diễn lại theo kiểu khác chứ không có nảy thêm cái gì siêu việt. Điều này cũng tự nhiên bởi vì cho đến giờ vẫn chỉ có máy học cách người nghĩ chứ chưa thấy ngược lại.

Tất nhiên nếu biến phân tích vấn đề tường minh thành một thói quen thì cũng như làm việc ngăn nắp quy củ, nói chung sẽ hiệu quả hơn, song nó gần với phong cách hay kỹ năng hơn là thật sự biến cải lớn lao đầu óc, nhất là không cần học lập trình thì nhiều người cũng vẫn làm việc này mà không biết. Tôi chưa từng đọc mấy vụ bàn luận triết học về tư duy lập trình nên ko chắc mình hiểu đúng thuật ngữ chủ top muốn hỏi, song với cá nhân tôi, “tư duy lập trình” không khác biệt tư duy khi bạn muốn giải quyết vấn đề bình thường lắm. Điểm lưu ý có lẽ chỉ nằm ở tư duy lập trình “có tính đến sự trợ giúp của máy tính”. Máy tính có đặc điểm là năng lực tính toán khủng so với người, nên nói chung ko sợ các việc lặp đi lặp lại, khác với con người luôn hướng đến tìm ra các mẹo mực “tinh tế” để tránh sự nặng nhọc tinh thần.

Do đó, chẳng hạn lấy việc tính tổng các số nguyên liên tiếp từ 1 đến n làm vd, nếu bạn mang tư duy thông thường thì dù xài máy tính, bạn sẽ nghĩ một lúc, nhớ lại công thức Gausse ra n(n+1)/2 rồi mới bảo máy tính cho kết quả, còn nếu bạn có tư duy lập trình thì sẽ lập trình cho máy làm luôn kiểu nông dân tay to là cộng dần từ 1 đến n.

Về mặt toán học thì cách 2 là cách ngu nhất có thể, về mặt lập trình thì đó là giải pháp ngây thơ trong sáng nhất mà hiệu quả đủ tốt, tất nhiên độ phức tạp thuật toán là khác nhau song so với năng lực máy tính thì cả hai đều là con kiến với hạt cát cả chả bõ để lựa chọn, chênh lệch về thời gian giải cũng nằm ngoài khả năng detect của con người. Cách giải thứ hai, trong khi ấy lại đòi hỏi rất ít năng lực tư duy thông thường, ở đây tư duy lập trình còn là tư duy dành cho người dốt toán hoặc lười phân tích nhưng giỏi sai vặt.

Đầu tiên, nó sẽ mở ra cơ hội là thật ra chả cần phải thông minh lắm mới có thể làm được những việc to, miễn biết cách tận dụng triệt để năng lực của máy tính. Để hiểu thêm cơ hội này, có thể so sánh với môn Toán. Khái niệm đạo hàm ra đời đã đánh dấu từ nay tư duy chứng minh bất đẳng thức của chúng ta có thể rẽ sang một hướng khác hẳn, máy móc hơn, công nghiệp và khô khan hơn, nhưng hiệu quả. Thay vì lụi cụi tìm cách phân tích cộng trừ gộp nhóm để áp dụng bất đẳng thức, thì ta được quyền thẳng thừng lạnh lùng thấy biểu thức nào ngông ngáo thì hất hàm hỏi: “Thằng kia đi đâu đấy, mày có khả vi ko?”. Chú kia há miệng đáp: “Có” thì không lôi thôi gì hết phẩy luôn, phẩy phẩy phẩy đến bao giờ nó giơ tay hàng, tức đến khi dấu của nó không đổi thì thôi.

Học tư duy lập trình có lẽ cũng tương tự như học khái niệm đạo hàm ở điểm đó, không làm bạn thông minh lên tức thì, song vẫn giúp người thường giải được cả đống bài toán trước đó họ bó tay nhờ dạy họ cách tận dụng một công cụ mạnh. Tất nhiên điều đó không có nghĩa cả thế giới thành uyên bác hay là con người hết thứ để giải, bởi người ta sẽ mơ đến những vì sao xa hơn nữa, do bản chất muốn vươn lên luôn thúc đẩy con người khao khát vượt trên cái dễ dàng với tới.

Mặt thứ hai của phổ biến lập trình do đó có thể là, với những người vẫn muốn thực sự làm việc trí óc ngay trên máy tính, nảy sinh áp lực là tư duy giờ phải theo một kiều khác, thoát khỏi những thứ cải tiến mẹo mực vụn vặt vốn đã ko còn cần thiết, đến chỗ nào máy chưa làm được, trong khi bạn thì lại vẫn tận dụng được năng lực phục vụ của máy. Với những người muốn tiến xa tiếp hướng này, sẽ giống như sở hữu công cụ mạnh thì vấn đề tiếp theo là liệu bạn có tìm ra bài toán xứng đáng với công cụ đó hay ko, nếu bạn nắm trong tay thanh gươm huyền thoại Excalibur thì giờ đối thủ tiếp theo của bạn rõ ràng ko nên là trâu ngựa nữa mà phải là con rồng trấn giữ pháo đài phương Bắc.

Nói chung, với XH, tôi cho là phổ biến lập trình sẽ như một quá trình tăng tốc phát triển nhờ cải tiến công cụ lao động, hơn là giúp thu được sự tiến hoá lớn lao gì về trí óc. Do máy tính hay các sản phẩm có thể lập trình khác sẽ càng ngày càng phổ biến, nên học lập trình là chuẩn bị cho đòi hỏi thường thấy trong nghề nghiệp và cuộc sống tương lai, gần như sẽ là thứ tối thiểu cần phải biết y như trẻ con giờ tính nhẩm thì rất dở song đứa nào đi học cũng thành thạo tương đối cách xài máy tính bỏ túi.

Và bởi nó giống kỹ năng tối thiểu sơ cấp hơn là khoá học nâng cao tư duy như vầy, nó chả phải trò chơi trí tuệ như cờ vua, nó lại còn lâu mới là một thứ sâu rộng mênh mông như ngoại ngữ, nên thật ra chỉ đến một ngưỡng nào đó là chững, từ đó trở đi nếu bạn ko có khả năng thì học thêm vẫn rứa, nên với đa số chúng ta chỉ cần học cho biết là đủ, còn tiến tiếp về đâu lại nằm ở thiên hướng của từng cá nhân.

Chẹp, đến đây nhớ đến anh Isaac Asimov, một nhà khoa học và cũng là tác giả của tiểu thuyết I, Robot (bạn nhớ đúng òi, là anh Will Smith đóng đó), anh này từng đặt ra câu hỏi suy tư về các nghề nghiệp dành cho loài người trong một tương lai xã hội ngập tràn trí tuệ nhân tạo.

Robot dreams Issac Asimov

Chính tui thấy bàn luận tiếp theo hướng này có khi còn hay ho hơn nên mới viết thành bài để cho thiên hạ chém chơi. Rằng đã một công lo xa, bạn thử đồ xem nghề nghiệp nào trong tương lai sẽ là cần thiết? Và nếu như xa thật là xa, thì thật ra có còn nghề nào cần thiết nữa hay không? Hay giống như Asimov dự đoán là chúng ta sẽ chỉ như các bậc hiền triết Hy Lạp cổ đại xưa, mọi việc đều có nô lệ lo, cả ngày chỉ rảnh rang ngồi hấp thu khối kiến thức mênh mông của nhân loại vì nhu cầu hiểu biết và sau đó nghĩ ngợi sáng tạo vơ vẩn thôi?

Nhưng thời Asimov thì thậm chí đến Internet cũng còn chưa bùng nổ, nên có thể ông đánh giá hơi thấp năng lực robot lẫn lạc quan về viễn cảnh loài người, trong khi bây giờ, cả ở lĩnh vực sáng tạo gắn với cảm xúc, AI cũng đã bắt đầu nhăm nhe lấn sân nhân loại (viết tiểu thuyết, vẽ tranh, soạn nhạc, …).

Rembrandt
Một bức tranh mới phát hiện của Rembrandt? Không, đây là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo

Nếu một ngày nào đó quá trình lấn sân này thành toàn, liệu thế giới có cần con người nữa hay không và ý nghĩa tồn tại của chúng ta sẽ là gì chứ, hay chỉ là một đám chủ nhân ông lười biếng ngu dốt hơn gấp bội nô lệ cuả họ là máy móc? Khoan bàn chuyện AI có thể sẽ phát hiện ra sự bất công này và nảy sinh ý đồ nổi loạn, thì liệu chính chúng ta, chúng ta còn thấy cuộc đời mình là cần thiết cho thế giới, chúng ta liệu còn giữ niềm tin ngạo mạn như bây giờ về sứ mệnh dẫn dắt muôn loài và cai quản trái đất hay không?

Cuối cùng thì, điều tối hậu nào sẽ làm nên sự lấp lánh khác biệt của con người với máy móc khi ngay cả sự sáng tạo, xúc cảm, tâm hồn dường như cũng có thể được giả lập?

Hay có lẽ ta nên khiêm tốn mà nhìn nhận rằng mình chả có gì để tự hào vô đối như thế mãi được đâu. Thay vì ngồi tự ca ngợi gốc gác sinh vật của mình, liệu có nên chuẩn bị dần tâm thế rằng loài người, y như cá vây chân, bò sát bay, thú có vú đời đầu hay một số vượn người cổ đại, chỉ đóng vai trò như những gạch nối để chuyển giao, và đến một lúc nhất định thì sẽ cần thiết bị tẩy đi khi tiến hoá chạm đến điểm ưu việt hơn là người máy?

Mà cũng có thể sẽ còn một kết cục hậu tận thế lạc quan hơn tý đỉnh nữa nếu chúng ta nhìn sang số phận của một người quen cũ.

Chúa đã tạo ra loài người, con người ăn trái Trí tuệ, bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, xuống trần gian, được Prometheus trao tặng lửa, và từ phát minh đầu tiên ấy con người dần dần tiến lên, đến chỗ làm chủ Trái đất này và thách thức uy quyền của Chúa. Con người tạo ra robot và cũng luôn ngạo mạn cho mình dầu ngu ngốc đến đâu vẫn mang sự sống ưu việt hơn hẳn những cỗ máy vô tri này. Vài thế kỷ vừa qua đã chứng kiến Chúa và các bạn bè thánh thần khác của ngài phải lùi dần ra sau tấm màn nhung của lịch sử để nhường sân khấu cho con người toả sáng và bắn giết lẫn nhau, liệu đến thế kỷ nào, sẽ đến lượt loài người thoái khỏi ngai vàng của mình để nhường chỗ cho robot đây?

Nếu mọi chuyện diễn ra theo kịch bản ấy, có thể ít ra, con người cũng sẽ được an ủi là y như Chúa với con người, nhân loại dầu biến mất vẫn sẽ được một bộ phận robot đâu đó thờ phụng … mặc dầu dưới các nấm mồ, họ cũng hiểu rõ rằng, điều này quả là hơi khiêm tốn so với những hào quang giống loài mình từng có thời sở hữu ….

Avatar tác giả

Bài của khách

Tác giả: Bác sỹ G

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết trùng với quan điểm của Blog Măng cụt.

Viết cho Blog Măng cụt

Bài liên quan:

Bài cùng tác giả: